Chiến thắng vĩ đại từ sự đoàn kết vĩ đại

06:04, 30/04/2020

45 năm trước, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ "Giải phóng miền Nam" tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn...

45 năm trước, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ “Giải phóng miền Nam” tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn. Đó là thời khắc 21 năm đổi lấy một ngày - ngày Việt Nam không còn chia cắt đôi bờ Bến Hải, Bắc - Nam liền một dải. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất và suốt đời xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất và suốt đời xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Tư liệu
 
Báo chí thế giới đã ngợi ca chiến thắng 30/4 là chiến thắng lịch sử, chiến thắng của sức mạnh Việt Nam, một sức mạnh được bồi đắp qua hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm. 
 
Trong nước, đã có rất nhiều cuộc hội thảo về chiến thắng lịch sử 30/4, nguyên nhân và bài học thắng lợi được đúc kết: Đó là đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng; là phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc; sự giúp đỡ, hỗ trợ to lớn của bạn bè quốc tế; là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; là chúng ta có Quân đội Nhân dân anh hùng; là nghệ thuật chiến tranh Nhân dân; nghệ thuật tác chiến khoa học sáng tạo... và điều quan trọng nhất là tinh thần đại đoàn kết. 
 
Lịch sử Việt Nam đã minh chứng rằng: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu. Truyền thống ấy đã ngấm vào máu thịt của Nhân dân Việt Nam. Nó hiện hữu trong truyền thuyết “Mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân; 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển”, trong thơ, ca dao, hò, vè, tục ngữ… “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”; “Chia rẽ thì chết/ Đoàn kết thì sống”. 
 
Một góc Sài Gòn những ngày thống nhất. Ảnh: Tư liệu
Một góc Sài Gòn những ngày thống nhất. Ảnh: Tư liệu
 
Hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, không triều đại nào đánh đuổi ngoại xâm, phát triển hưng thịnh mà không nhờ vào sức mạnh đoàn kết. Sự suy tàn của mỗi triều đại cũng đều do mất đoàn kết mà ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều câu nói bất hủ về đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”; “Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
 
Rõ ràng, đoàn kết có vai trò vô cùng quan trọng, chính vì vậy mà trong công cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta đã sáng tạo đề ra nhiều phương thức tập hợp quần chúng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình... ở miền Nam. Từ đó, tập hợp toàn dân thành một khối thống nhất với nhiều phong trào rộng khắp, điển hình như các phong trào: đơn vị vũ trang “3 nhất”, thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”, “bám đất, giữ làng”, “một tấc không đi, một li không dời”, “thi đua giết giặc lập công”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...
 
Bằng tinh thần đoàn kết, Nhân dân miền Bắc bừng bừng khí thế ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần to lớn cho đồng bào miền Nam đánh bại kẻ thù. Sự chi viện chí tình, chí nghĩa đó là biểu tượng vô cùng đẹp đẽ của tình đoàn kết Nhân dân hai miền Nam Bắc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng!”.
 
Chính nhờ sự đoàn kết, Đảng ta đã tạo nên sức mạnh vô biên triệu người như một từ hậu phương ra nơi tiền tuyến. Hàng vạn dân công, trai, gái, trẻ, già, đàn ông, đàn bà nô nức gánh gồng, khuân vác, vận chuyển lương thực và vũ khí, đạn dược ra chiến trường; lớp lớp thanh niên rầm rập lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. 
 
Nhờ đoàn kết mà Nhân dân ta từ Nam chí Bắc đã không tiếc máu xương, không màng nhà cửa, sẵn sàng tháo nhà, lấy ván lót đường cho những chuyến xe tiến vào Nam giải phóng thống nhất đất nước. 
 
Nhờ đoàn kết mà trong các khu căn cứ, cán bộ, chiến sĩ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Nếu không có đoàn kết thì không bao giờ có được sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào. Nếu không có đoàn kết thì không có chuyện toàn dân đánh giặc; mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà dân là một pháo đài trong cuộc trường chinh đánh Mỹ…
 
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: Tư liệu
 
Nhờ đoàn kết mà Nhân dân các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới đã chi viện sức người, sức của, ủng hộ tinh thần cho Việt Nam chiến thắng mà lời tuyên bố đầy ắp nghĩa tình yêu thương của vị lãnh tụ Cuba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” - một biểu tượng sáng ngời cho tình đoàn kết vĩ đại giữa hai đất nước, hai dân tộc cách nhau nghìn trùng giữa đại dương xa thẳm.
 
Cũng bằng tinh thần đoàn kết đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã một lòng đánh giặc. Người dân phố thị xây dựng các cơ sở cách mạng, vừa nuôi giấu cán bộ, vừa nắm thông tin, vừa làm chính trị; người dân nông thôn bám đất, bám làng “một tấc không đi, một li không rời” sản xuất nuôi quân; đồng bào dân tộc thiểu số vừa chở che cán bộ, vừa cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà câu chuyện K’Vét, người đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm dùng súng trường bắn rơi máy bay địch, giết chết tướng Mỹ như một huyền thoại. 
 
Nhờ đoàn kết mà trải qua 21 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, hy sinh, gian khổ, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta đánh bại âm mưu và các chiến lược lớn của Mỹ, ngụy: chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965); “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam - chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ ở miền Bắc (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” - chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ ở miền Bắc (1965-1973). Và cuối cùng là chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Đại tướng Văn Tiến Dũng đã từng khẳng định với các nhà báo phương Tây (năm 1985) rằng: “Sức mạnh cách mạng là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình”. Đó chính là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc như tục ngữ Việt Nam: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Sức mạnh đó chính là hiện thân của truyền thuyết: Con Lạc, cháu Hồng.
 
Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng: Chiến thắng 30/4/1975 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ấy, bắt nguồn từ sự đoàn kết vĩ đại: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong quân đội, đoàn kết trong Nhân dân và đoàn kết quốc tế, từ đó hợp thành sự đoàn kết vĩ đại: Đảng, quân, dân và quốc tế, tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng kẻ thù. 
 
Nhưng đoàn kết không phải là điều bất biến, vì vậy, việc giữ gìn sự đoàn kết vĩ đại ấy là một yêu cầu tuyệt đối trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
VĂN TÒA