Huyện Đạ Tẻh có 4 xã sáp nhập thành 2 xã theo Nghị quyết số 833 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, từ đầu tháng 3/2020, xã Hà Đông chính thức sáp nhập vào xã Mỹ Đức và xã Hương Lâm chính thức sáp nhập vào xã Đạ Lây...
Huyện Đạ Tẻh có 4 xã sáp nhập thành 2 xã theo Nghị quyết số 833 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, từ đầu tháng 3/2020, xã Hà Đông chính thức sáp nhập vào xã Mỹ Đức và xã Hương Lâm chính thức sáp nhập vào xã Đạ Lây. Ngay sau khi sáp nhập, các cấp, ngành đã chủ động triển khai nhiều công việc, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
|
Công an huyện Đạ Tẻh trực tiếp đến làm CMND, hộ khẩu cho người dân xã Mỹ Đức |
Vào tận xã làm chứng minh nhân dân
Ngay sau khi sáp nhập 4 xã thành 2 xã, nhu cầu của Nhân dân về thay đổi các loại giấy tờ cho phù hợp với địa giới hành chính mới là rất cao. Vì vậy, Đạ Tẻh xác định việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) và điều chỉnh sổ hộ khẩu thường trú cho Nhân dân là cần thiết. Và, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tham gia các hợp đồng, giao dịch và nhiều quan hệ pháp luật khác, Công an huyện Đạ Tẻh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo về việc điều chỉnh sổ hộ khẩu và cấp CMND lưu động tại xã Đạ Lây và Mỹ Đức. Với phương châm “Vì Nhân dân phục vụ”, cán bộ Công an của 2 xã Đạ Lây, Mỹ Đức và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Đạ Tẻh; trong đó, chủ yếu là lực lượng đoàn viên, thanh niên, đã tiến hành điều chỉnh sổ hộ khẩu và cấp đổi CMND cho Nhân dân xã Đạ Lây, Mỹ Đức. Ông Đỗ Văn Thơm - Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết: Khi mới sáp nhập xã, người dân rất hoang mang vì sợ không cấp đổi kịp thời các loại giấy tờ hành chính sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán, sang nhượng đất đai, vay vốn ngân hàng... Tuy nhiên, nhờ lực lượng công an kịp thời làm các loại giấy tờ cần thiết nên người dân cũng yên tâm, không còn lo lắng. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc cấp đổi CMND, điều chỉnh sổ hộ khẩu đang phải tạm dừng, nhưng ngay cả khi người dân chưa được cấp đổi kịp thời thì vẫn được tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch bình thường.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đạ Tẻh được tiến hành như sau: Nhập toàn bộ 4,41 km2 diện tích tự nhiên và 1.736 người của xã Hà Đông vào xã Mỹ Đức, nâng tổng diện tích tự nhiên xã Mỹ Đức lên 108,51 km2 và quy mô dân số là 5.728 người; nhập toàn bộ 23,38 km2 diện tích tự nhiên và 2.009 người của xã Hương Lâm vào xã Đạ Lây, nâng tổng diện tích tự nhiên của xã Đạ Lây lên 52,01 km
2 và quy mô dân số là 5.282 người. Ông Đỗ Văn Thơm cho biết thêm: Ngày 2/3/2020, xã Mỹ Đức chính thức được sáp nhập. Ngay sau đó, dù cơ cấu tổ chức bộ máy có thay đổi nhưng chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào tổ chức để ổn định bộ máy, ổn định đời sống người dân. Có nhiều phần việc đã được tiến hành như kiểm soát về tài sản sau sáp nhập để tránh thất thoát, khẩn trương giải quyết, điều chỉnh các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính cho bà con nhân dân. Đến nay, sau hơn 1 tháng sáp nhập, mọi công tác tổ chức đã cơ bản ổn định, các loại giấy tờ liên quan đến người dân đã thực hiện được hơn 50% nên người dân rất yên tâm, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.
Ổn định bộ máy tổ chức
Theo ông Nguyễn Mạnh Việt - Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, để thực hiện công tác sáp nhập thì huyện Đạ Tẻh đã có thời gian chuẩn bị hơn 1 năm trước đó. Từ khi có chủ trương, huyện đã hết sức chủ động triển khai, nhất là công tác cán bộ. Đối với các xã dự kiến sáp nhập, khi nào có vị trí cán bộ khuyết thì Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã để trống hoặc làm công tác kiêm nhiệm. Do đó, sau khi sáp nhập thì bố trí cán bộ không bị dôi dư. “Quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá trình độ, năng lực cũng như tuổi tác để bố trí vị trí công việc cho phù hợp. Việc này được tiến hành công khai, minh bạch, những chức danh được chỉ định thì chỉ định, những chức danh bầu thì HĐND xã bầu theo luật định. Sau khi sắp xếp, những nơi còn dôi dư thì sẽ bố trí sang các xã khác còn thiếu. Do đó, ngay sau khi sáp nhập thì công tác tổ chức bộ máy cũng ổn định và nhận được sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên đến bà con nhân dân” - ông Việt cho biết.
Còn theo ông Phùng Minh Đức - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, do công tác tổ chức cán bộ được huyện tính toán từ trước nên ngay khi sáp nhập thì các chức danh về mặt Đảng và đoàn thể cơ bản ổn định. Về công tác Đảng thì Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ định 14 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng ủy xã, 1 bí thư và 4 phó bí thư. Trước khi sáp nhập chính thức, HĐND xã cũng đã tiến hành bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND với tỷ lệ phiếu bầu đạt cao. Đồng thời, thăm dò ý kiến người dân thì cũng đạt tỷ lệ 99,9% đồng thuận sáp nhập xã. Đây là những yếu tố thuận lợi cho công tác tổ chức bộ máy cũng như chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ xã sắp tới.
Theo Phòng Nội vụ huyện Đạ Tẻh, đến nay công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy tại các xã sáp nhập đã cơ bản ổn định. Một số trường hợp cán bộ bán chuyên trách không bố trí được công việc thì được giải quyết chế độ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, một số không đủ điều kiện thì vận động nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/11/2014. Hiện, còn một vài trường hợp đang xin ý kiến của tỉnh để giải quyết.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Việt, nhờ tinh thần đoàn kết, nhất trí cao mà công tác sáp nhập xã của huyện Đạ Tẻh diễn ra thuận lợi. Ngay sau khi sáp nhập, ngoài vấn đề quan trọng là công tác cán bộ được thực hiện tốt thì các thủ tục liên quan đến cấp, đổi hộ khẩu, hộ tịch của người dân được gấp rút triển khai trên tinh thần nhanh chóng, miễn phí hoàn toàn và đặc biệt là không gây phiền hà, khó khăn cho dân sau khi sáp nhập xã. Đặc biệt, ngay sau khi sáp nhập, công tác chỉ đạo đại hội các chi bộ trực thuộc tại 2 xã này cũng đã hoàn tất 100%. Về định hướng phát triển kinh tế, sau sáp nhập, xã Mỹ Đức có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện nên tập trung phát triển chuyên canh cây dâu tằm, cây ăn trái; xã Đạ Lây có diện tích tự nhiên lớn thứ nhì thì tập trung phát triển cây ăn trái và tre tầm vông.
ĐÔNG ANH