Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 4 trong 1 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19

11:04, 10/04/2020

(LĐ online) - Sáng 10/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành và địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

(LĐ online) - Sáng 10/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành và địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 4 nội dung của Hội nghị là: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đây là Hội nghị dự định tổ chức vào cuối tháng 3, nhưng do bối cảnh tình hình rất phức tạp, nên tạm dời đến khi tình hình dịch có dấu hiệu thuyên giảm ở nước ta.
 
Thủ tướng điểm qua tình hình dịch Covid-19: Đến nay, đã có 209 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm bệnh Covid-19, trên 800 ngàn người đã tử vong; gần một nửa dân số thế giới đang cách ly tại nhà. Các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh, hàng triệu người mất việc làm. Chưa bao giờ trên thế giới có đại dịch lớn như thế này, dù đã có những đại dịch kinh hoàng, như đại dịch cúm, đại dịch tả…
 
Ở Việt Nam, nhờ sự chủ động, kịp thời, Chính phủ đã chủ động từ trước, trong và sau Tết. Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách “chống dịch như chống giặc” được các cấp, các ngành và Nhân dân cả nước đồng tình thực hiện. Các ngành y tế, công an, quân đội đã nỗ lực ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Mỗi tuần 3 lần, Chính phủ nghe báo cáo tình hình chống dịch của các ngành, các cấp và các địa phương. Hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang triển khai quyết liệt Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. 
 
Tuy nhiên, sự lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đang diễn ra, hàng ngày vẫn tăng lên, do đó, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra một số quyết sách; trong đó, có giãn cách xã hội và đang thực hiện một cách quyết liệt hơn, đặc biệt là ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị này có thể gọi là Hội nghị 4 trong 1 hoặc tất cả trong 1, kêu gọi toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước vượt khó, vươn lên chiến thắng dịch bệnh… Sau dịch, làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, bật dậy mạnh mẽ. Vì vậy, Hội nghị cần đưa ra được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ, đúng và trúng… 
 
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ đưa ra 2 gói hỗ trợ là chính sách tiền tệ 300 ngàn tỷ đồng, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không để doanh nghiệp phải trả nợ ngay…, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 41 về giãn, giảm thuế và tiền thuê đất với tổng giá trị khoảng 180 ngàn tỷ đồng với 98% doanh nghiệp và hộ kinh doanh được hưởng lợi. 
 
Về cơ chế, chính sách gói hỗ trợ người lao động, Chính phủ đã thảo luận trong phiên họp tháng 3 vừa qua. Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này và Chính phủ sẽ ký ngay sau Hội nghị khi đã bàn thảo kỹ các giải pháp hỗ trợ người khó khăn, với gói an sinh xã hội trên 62 ngàn tỷ…
 
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu giải ngân hết số vốn còn lại năm 2019 và số vốn của năm 2020; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương không chịu triển khai giải ngân vốn; tập trung vào giải ngân các dự án đầu tư về giao thông…
 
 Về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngành công an, quân đội, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có kế hoạch, phương án cụ thể, vượt khó khăn, đảm bảo an toàn xã hội.
 
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế xã hội gây hệ lụy rất lớn đến toàn cầu. Việt Nam là nước hội nhập cao, nên ảnh hưởng càng nghiêm trọng và sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trong như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đại dịch diễn ra trên hầu hết các nước và để lại hậu quả lớn trên toàn cầu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại trừ, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các ngành nghề: Du lịch, hàng không, vận tải, nông nghiệp, tiêu dùng… gây nhiều bất lợi cho kinh tế, đặc biệt là bất ổn xã hội, nền kinh tế dễ bị âm trong phát triển. 
 
Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng đảm bảo đủ thành phần, đúng quy định khoảng cách an toàn và trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn…
Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng đảm bảo đủ thành phần, đúng quy định khoảng cách an toàn và trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn…
 
Thủ tướng cũng yêu cầu, phải thay đổi cách chỉ đạo điều hành quyết liệt hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, càng khó khăn chúng ta càng tập trung cải cách, triển khai các thủ tục có thể tạo thuận lợi cho người dân vượt qua khó khăn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Những cải cách vượt trội về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh rất quan trọng; đặc biệt là vai trò của các ngành nghề kinh tế đầu tầu, các tập đoàn lớn…; vai trò của doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp trong tạo việc làm và duy trì việc làm, phát triển các ngành, phát triển kinh tế…
 
Một cuộc suy thoái toàn cầu đang diễn ra và tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực; đồng thời, sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu tiếp tục kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Tất cả các nước hầu như đang đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Thủ tướng cũng khẳng định: Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn hay giặc giã, với tinh thần như Bác Hồ đã dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, Thủ tướng cảm ơn Nhân dân cả nước đã đồng lòng cùng hệ thống chính trị quyết liệt vượt qua khó khăn, thích ứng với mọi hoàn cảnh, áp dụng triệt để các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.
 
Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là thực hiện ngay những việc làm trong thẩm quyền của Chính phủ, còn những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Quốc hội ngay sau Hội nghị này. Hội nghị cũng nghe Báo cáo của các bộ và kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Trong đó,  Bộ KH-ĐT báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; Bộ Tài Chính báo cáo về các chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Bộ Công thương báo cáo tình hình, tác động của dịch Covid-19 và các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Bộ NN-PTNT báo cáo về đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; Bộ LĐ-TBXH báo cáo về các gói hỗ trợ an sinh xã hội; Ngân hàng Nhà nước báo cáo về các chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng; Bộ Công an báo cáo về phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh trấn át các loại tội phạm…
 
LÊ HOA