(LĐ online) - Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người lính năm xưa càng nhớ về một thời "hoa lửa" sống và chiến đấu cửa ngõ chiến khu D xã 5 K29 (nay là xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên)...
(LĐ online) - Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người lính năm xưa càng nhớ về một thời “hoa lửa” sống và chiến đấu cửa ngõ chiến khu D xã 5 K29 (nay là xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên). Năm xưa, họ là những chàng trai, cô gái người Mạ, S’Tiêng đêm ngày đào hào, vót chông, cầm súng đánh giặc bảo vệ từng tấc đất, gốc cây của bản làng. 45 năm sau ngày giải phóng, càng tự hào hơn khi mãnh đất anh hùng Đồng Nai Thương đang từng ngày “thay da, đổi thịt” mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.
|
Trung tâm hành chính xã Đồng Nai Thượng được xây dựng khang trang |
Ký ức một thời hoa lửa
Chúng tôi về với Đồng Nai Thượng, để gặp những chứng nhân lịch sử nay đã ở cái tuổi ngoài 70, để được nghe họ kể về một thời oanh liệt chiến đấu với quân thù… Cứ thế, ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn, đầy xúc cảm và tự hào trong tâm hồn các bậc cao niên ở Bi Nao, Bù Gia Ra, Bù Sa… như tổng già làng Điều K’Đoi, già làng Điểu K’Lộc… đặc biệt là “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2” Điểu Thị Lôi (thường gọi là Năm Lôi).
|
“Dũng sĩ diệt Mỹ” Năm Lôi kể về một thời hoa lửa |
Năm nay, bà Năm Lôi đã tròn 70 tuổi, với 40 năm tuổi Đảng và tham gia Đại biểu Quốc hội khóa VI, nhưng trông bà còn rắn rõi, minh mẫn. Gặp chúng tôi, bà cười sảng khoái: “Lại muốn nghe bà kể về chuyện vót chông, bắn nỏ, đào hào đánh Mỹ phải không?”. Cứ thế, “Dũng sĩ diệt Mỹ” kể cho chúng tôi rành mạch, tường tận những ký ức thời oanh liệt. Nơi đây, phía thượng nguồn sông Đồng Nai, dãy Bù Sa Lu Xiên từ ngàn đời đã có. Suối Đạ Roòng, Đạ Cọ vẫn hiền hòa tuôn chảy. Lúc những bậc cao niên như bà Năm Lôi, ông Điểu K’Lộc… và xa hơn nữa là già làng Điểu K’Đoi nay đã gần 100 tuổi được sinh ra trong những gia đình người Mạ, S’Tiêng tại Đồng Nai Thượng ẩn mình giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên. Theo bà Năm Lôi, khi xưa Đồng Nai Thượng là cửa ngõ của chiến khu D, nên khi địch nghe hơi Việt cộng xuất hiện trên địa bàn là chúng tung bảo an, biệt kích, thám báo, mật vụ lùng sục, dò la. “Những năm 1968, 1969, khi đồng bào đang sống yên ổn thì bất ngờ máy bay Mỹ oanh tạc rải chất độc xuống Đồng Nai Thượng đốt cháy rừng núi, lúa, bắp của bà con. Rồi đầu năm 1970, Mỹ, Ngụy liên tục mở các cuộc hành quân đổ bộ vào Đồng Nai Thượng càn quét, truy lùng dấu vết của Việt cộng. Chúng giết heo, gà, trâu ăn thịt và đốt hết lúa, bắp của bà con khiến đồng bào căm phẫn” – bà Năm Lôi nhớ lại.
Mặc cho quân địch biệt kích, lùng sục, dò la nhưng bà con người Mạ, S’Tiêng ở Đồng Nai Thương vẫn một lòng, một chí hướng theo cách mạng và cả làng tham gia đánh giặc. Lúc bấy giờ, những chàng trai, cô gái người Mạ, S’Tiêng nơi đây, người thì lên đường nhập ngũ cầm súng ra chiến trường, người ở lại tham gia đội quân du kích đánh địch, bảo vệ bản làng, bảo vệ an toàn cho cán bộ Khu ủy Khu VI. “Khi ấy, đội quân du kích chúng tôi có 6 người làm nhiệm vụ bảo vệ, đưa bà con vào rừng tránh bom đạn của kẻ thù. Đêm xuống, chúng tôi cùng bà con vót chông, đào hầm bẫy quân địch, khiến chúng sợ đến nỗi không dám đi đường mòn vì sợ hầm chông. Tôi còn nhớ như in trận đánh ác liệt của đội quân du kích vào khoảng tháng 4 năm 1970 khiến 2 đồng đội của tôi hy sinh. Trận đánh đó, làm rung chuyển cả núi rừng, lính Mỹ chết hàng loạt. Số thì sập hầm chông, số thì bị chúng tôi tiêu diệt. Khi đó, địch nhiều, mình ít nên du kích chúng tôi phải phải phục kích đúng những thời điểm chúng sơ hở, mất cảnh giác như lúc nhận lương thực, lúc ăn để đánh tiêu hao sinh lực địch. Dù quân địch hung hăng, tàn bạo đến đâu thì sau 3 tháng đổ bộ càn quét Đồng Nai Thượng, chúng cũng phải cúi đầu rút lui” – bà Năm Lôi kể.
Năm 1970, sau khi quân Mỹ rút khỏi Đồng Nai Thượng, bà Năm Lôi được Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 2. Cũng từ đây, quân địch còn gắn cho bà biệt danh “ma nữ” Năm Lôi khiến chúng phải kinh sợ khi nhắc đến bà. “Mình là nữ du kích như bao cô gái người Mạ, S’Tiêng khác. Mình theo kháng chiến từ hồi mới mười lăm, mười sáu tuổi. Ở nơi đây, nhiều người cũng như mình làm cách mạng đánh đuổi Mỹ, để dân làng bình yên. Rồi mình tham gia bộ đội đánh Mỹ ở X2 cơ yếu hoạt động ở Bù Đăng (Bình Phước). Vậy mà, không hiểu sao thằng Mỹ, thằng Ngụy lại gọi mình là “ma nữ”...” – bà Năm Lôi cười đầy tự hào.
Còn già làng Điểu K’Lộc (67 tuổi, ở thôn Bù Sa) kể với chúng tôi rằng: Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồng Nai Thượng là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Các cán bộ, chiến sĩ bám sát dân, từng rẫy, từng buôn làng, kiên trì vận động bà con, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, cứu nước, cứu rừng, cứu dân tộc, giành độc lập tự do. Chiến sỹ cách mạng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, nhờ đó các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tạo được tình thương yêu gắn bó với Nhân dân, đem ánh sáng cách mạng đến với đồng bào. Từ đó, lực lượng trung kiên nòng cốt trong các buôn làng phát triển ngày càng đông, tin cậy và vững chắc. “Năm 1969, khi tôi ngập ngũ tham gia kháng chiến, con đường ở cửa ngõ chiến khu D từng bước được rộng mở để bộ đội tiến vào giải phóng Miền Nam. Bộ đội, du kích mình chiến đấu anh dũng khiến quân địch khiếp sợ. Như tôi và các đồng đội đã ra trận là xác định hy sinh, chẳng sợ gì cái chết. Cứ thế mà đánh và chúng tôi xác định đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Nhưng rồi, sau mỗi trận đánh khi đồng đội ngã xuống khiến chúng tôi đau đớn như đứt từng khúc ruột…” – ông Điểu K’Lộc rơm rớm nước mắt khi nghĩ về đồng đội.\
|
Già làng Điểu K’Lộc nhớ lại những năm tháng oanh liệt nơi cửa ngõ chiến khu D |
“Ốc đảo” vươn mình
Bằng nhưng đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Đồng Nai Thượng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tròn 45 năm ngày đất nước thống nhất, giờ đây, xã Anh hùng “ốc đảo” của núi rừng Nam Tây Nguyên đang trở mình vươn lên mạnh mẽ. Giờ đây, đường lên Đồng Nai Thượng không còn đất đá bụi bặm như trước mà thay vào đó là đường nhựa kết nối giao thương với các địa phương trong và ngoài huyện Cát Tiên. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, sầu riêng, bơ… cũng đã cắm rễ chắc bền mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Đến nay, toàn xã có gần 360 ha cà phê, với năng suất ước đạt 2,6 tấn/năm; 170 ha cây ăn trái, sầu riêng ghép và bơ ghép, trong đó nhiều môi hình sầu riêng cho thu hoạch hơn 10 tấn/ha; trên 25 ha tiêu và 2 3ha cao su đã cho thu hoạch…
Với 98% dân số là đồng bào DTTS Mạ và S’Tiêng, nhưng đến nay Đồng Nai Thượng chỉ còn lại 16 hộ nghèo, chiếm 3,8% dân số toàn xã; thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa nối tất cả 5 thôn trong toàn xã. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được đầu tư đồng bộ, khang trang. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội ngày càng được đầu tư phát triển đảm bảo việc học tập, khám chữa bệnh và vui chơi, giải trí cho con em và người dân địa phương. Đặc biệt, Đồng Nai Thượng đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới vào cuối năm 2019.
Ông Lê Quang Chường – Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, khẳng định: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thì tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của các thế hệ cha, ông là động lực để bà con vươn lên phát triển kinh tế, xã hội. Những bậc cao niên như già làng K’Đoi, K’Khen, K’Lộc hay “Dũng sĩ diệt Mỹ” Năm Lôi… chính là những tấm gương sáng chói và cũng là động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đồng Nai Thương đoàn kết, gắn bó, ra sức học tập, rèn luyện cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp xứng đáng là xã Anh hùng”.
KHÁNH PHÚC