Cũng như một đời người, từ lúc lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành đều trải qua những phút giây khóc, cười, hạnh phúc...
Cũng như một đời người, từ lúc lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành đều trải qua những phút giây khóc, cười, hạnh phúc. Hình thành một vùng đất, một khu dân cư, cũng đi từ hoang sơ đến trù phú, cũng năm tháng thăng trầm cho ra hoa kết trái và để lại những dấu ấn không phai mờ…
|
Tỉnh lộ 725, đoạn qua thị trấn Đạ Tẻh đang được nâng cấp, mở rộng. |
Huyện Đạ Tẻh cũng vậy, trước năm 1975, vùng đất này thuộc quận Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Về phía chính quyền cách mạng, trước năm 1975, huyện Đạ Tẻh ngày nay nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng tỉnh Lâm Đồng, giữa hành lang chiến lược các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là K4.
Sau ngày 30/4/1975, K4 được sáp nhập vào huyện Bảo Lộc, vùng đất Đạ Tẻh ngày nay được gọi là xã Lộc Trung. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc bố trí và điều động dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới, xã Lộc Trung được quy hoạch là địa bàn đón dân xây dựng kinh tế mới của tỉnh Lâm Đồng. Lực lượng tiền trạm và thanh niên xung phong của các địa phương như Thường Tín, Ứng Hòa (tỉnh Hà Sơn Bình cũ) và Nhân dân thành phố Huế đã đến xây dựng vùng kinh tế mới.
Ngày 6/6/1986, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ ban hành Quyết định số 68 thành lập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Hơn một tháng sau, ngày 11/7/1986, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định 466 về việc bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy UBND huyện Đạ Tẻh. Đến lúc này, Đạ Tẻh có diện tích 473,3 km2, dân số gần 24 ngàn người.
Và chỉ hơn 3 tháng kể từ khi thành lập huyện, từ ngày 15-19/9 năm 1986, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đạ Tẻh - Cát Tiên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1986 - 1988 được khai mạc. Từ đây, Đạ Tẻh đã mở ra những trang sử mới trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ an ninh - quốc phòng.
Đáng chú ý là chỉ trong hai năm đầu (1986 - 1988), hai công trình thủy lợi nhỏ Thạch Xá (Thạnh Thất - Đạ Kho) và Đạ Hàm (An Nhơn) đã ra đời. Lần đầu tiên trên vùng đất một năm chỉ có hai mùa mưa nắng, đã chủ động nước tưới phục vụ 450 ha lúa hai vụ trong năm. Tổng sản lượng quy thóc đạt 16.000 tấn. Đời sống Nhân dân được nâng lên. Đặc biệt, đã cơ bản định canh định cư cho 200 hộ đồng bào Mạ với 100 ha lúa nước.
Một nét chấm phá trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đó là công tác vận động, kêu gọi Fulro ra hàng của Công an huyện Đạ Tẻh. Qua điều tra, xác minh, được biết K’Diêm và K’Nhang là thành viên của toán do K’Krèo cầm đầu. Ngày 15/2/1988, khi cái tết đang đến gần, thì tổ công tác đã đưa được K’Nhang và K’Diêm về Công an huyện. Hai tên đã giao nộp một khẩu súng Ru-lô và sáu viên đạn, đồng thời cung cấp cho ta nhiều tin quan trọng liên quan đến những tên cầm đầu là K’Krèo và K’Long Nhão. Sau tết năm ấy, có thêm ba đối tượng nữa ra hàng. Tính đến tháng 5 năm 1988, ta vừa vận động, gọi hàng vừa tổ chức hai trận đánh, tiêu diệt một tên, bắn bị thương một tên, bắt sống một tên, gọi hàng 6 tên, thu một khẩu súng, năm viên đạn và một bó tên tẩm thuốc độc. Đây là chiến công xuất sắc đầu xuân của lực lượng Công an huyện Đạ Tẻh trong đấu tranh từng bước xóa sổ các toán Fulro trên địa bàn.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đạ Tẻh lần thứ II, nhiệm kỳ 1988 - 1991 đặt một điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội là: Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy lợi Đạ Tẻh - nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển bền vững ở vùng đất này.
Từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Công ty Tư vấn Thủy lợi II đã tiến hành khảo sát địa chất công trình dự kiến xây dựng trên sông Đạ Tẻh thuộc xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Qua khảo sát cho thấy toàn thân đập thiết kế nằm trên vùng than bùn, nếu xây đập, áp lực nước sẽ đẩy lớp than bùn gây rỗng thân đập dẫn đến không giữ được nước. Nên con đập được đưa ngược lên thượng lưu, rút lưu vực của hồ chứa xuống còn 198 km2 với hơn 100 ha mặt nước, dung lượng 24 triệu mét khối.
Tuy nhiên, sau thời gian đắp đập, Ban Quản lý Dự án 416 đã cho ngừng thi công với nhiều lý do. Bao nhiêu mong đợi, hy vọng có nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của hàng vạn người bị dập tắt. Nhiều người có ý định bỏ đi nơi khác sinh sống.
Trước tình hình trên, Huyện ủy, UBND huyện đã tìm mọi cách tác động. Đã có đơn kiến nghị với hàng chục chữ ký và con dấu gửi Trung ương. Ông Nguyễn Giới - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, phụ trách phía Nam đã về tận nơi xem xét. Nhận ra những nguồn lợi to lớn mà công trình mang lại, nhất là việc giữ được dân yên tâm ở lại xây dựng vùng kinh tế mới chiến lược, ông thể hiện quyết tâm:
- Bác Hồ đã dạy: “Làm thủy lợi dù vất vả mươi năm nhưng để cháu con sung sướng muôn đời”. Dù khó khăn đến mấy cũng phải tiếp tục khởi công.
Và cuối năm 1992, công trình được chặn dòng. Nguồn nước mát như dòng sữa mẹ vun bồi cho cuộc sống sinh sôi. Những người muốn ra đi đã yên tâm ở lại. Những người đã ra đi lại quay về. Đến nay, công trình thủy lợi Đạ Tẻh đã phát huy tác dụng to lớn. Không kể các hệ thống kênh rẽ, riêng kênh chính, kênh Đông và kênh Nam đã có chiều dài 18.206 m, cấp nước tưới cho 2.300 ha đất canh tác, nuôi cá và nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Quang Huy - nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức phấn khởi nói:
- Đảng và Nhà nước đã cho chúng tôi cái cần câu. Vùng đất đỏ bazan mà không có nước thì lấy gì làm nguồn sống. Nước đã cho vàng cho bạc. Nước đã giữ lòng người.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đạ Tẻh lần thứ III, nhiệm kỳ 1991 - 1996 đặt một dấu ấn rất đáng nhớ, đó là việc đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia và lắp đặt Trạm phát sóng truyền hình màu ở cấp huyện lần đầu tiên trong tỉnh.
Người dân Đạ Tẻh, ai cũng nhớ mãi câu chuyện bán trụ sở làm việc của UBND huyện để làm điện. Các ông Trương Văn Sáu - Chủ tịch UBND huyện từ 1990 đến 1994, sau là Bí thư Huyện ủy từ 1994 đến hết nhiệm kỳ; ông Hoàng Hiển - Phó Chủ tịch Ủy ban từ 1990 đến 1993, sau là Chủ tịch từ 1994 đến hết nhiệm kỳ, đã trăn trở đến quên ăn, quên ngủ khi các huyện khác đã có điện lưới mà huyện nhà vẫn phát điện bằng động cơ điezen. Máy chạy quá tải, ống xả đỏ như lửa cháy.
Chấp nhận nơi làm việc chật chội, khổ một chút nhưng dân có điện thì vẫn sướng hơn nhiều, thế là bán trụ sở cho ngành giáo dục làm cơ sở Trường Dân tộc nội trú. Hiềm một nỗi, khi triển khai đường dây dẫn cao thế từ huyện Đạ Huoai vào Đạ Tẻh lại trục trặc. Dân không cho cắm trụ ở đất nhà mình. Thế là đích thân lãnh đạo huyện ra Đạ Huoai trực tiếp thương lượng với dân. Định mức Nhà nước trả thì thấp dân chưa nghe. Đích thân Chủ tịch Trương Văn Sáu bỏ tiền túi của mình bù vào… Và đường điện thông suốt. Ngày 3/8/1993 chính thức khánh thành hệ thống hạ thế điện lưới quốc gia. Cờ đỏ rợp đường thôn ngõ xóm, pháo nổ giòn tan hòa theo tiếng reo hò của hàng ngàn người trải dài trên con đường nhựa nội huyện. Sinh thời, cụ Lê Hoa Túy - cán bộ hưu trí xã Quảng Trị không kìm được cảm xúc, bật thành thơ:
Ánh điện bừng lên xua tăm tối
Đạ Tẻh ơi, ai “thắp” cái “trăng tròn”.
Trước đó hai năm, vào trung tuần tháng 11/1991, Đạ Tẻh là huyện đầu tiên trong tỉnh khánh thành trạm phát lại truyền hình quốc gia qua vệ tinh. Khỏi phải nói dân vui như thế nào. Khi chưa có trạm, nhà nào cũng dựng cột Ăngtel cao hàng chục mét để thu sóng truyền hình từ TP Hồ Chí Minh, nhưng chất lượng hình rất kém. Đang xem lại phải ra sân xoay cột do gió làm đổi hướng.
Từ đây, mọi người xem ti vi màu mà chỉ cần Ăngtel râu trong nhà. Ông Phùng Xuân Khẩn - một lão nông tri điền, sinh sống ở Tổ dân phố 1B thị trấn Đạ Tẻh - người mê xem truyền hình đến mức: “ăn ti vi, thức ti vi, ngủ cũng ti vi” cứ tấm tắc khen hoài: “Đúng là nét như sony”.
Còn ông Hoàng Thanh - nguyên Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh khóa I, sau 10 năm, kể từ 1986, về thăm lại Đạ Tẻh, đã không tiết kiệm lời khen:
- Tôi vẫn tin là Đạ Tẻh phát triển, nhưng không ngờ lại được như vậy. Mười năm không phải là nhiều, nhưng điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng khác phục vụ đời sống Nhân dân mọc nhanh như nấm sau mưa.
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 1996 - 2000 và tiếp đó là các Đại hội Đảng bộ lần thứ V, VI, VII, đặc biệt là lần thứ VIII (2015 - 2020) là thời kỳ ghi dấu sự phát triển vượt bậc và toàn diện của Đạ Tẻh.
Trong những năm từ 1996 - 2000, cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện rất phấn khởi và tự hào được đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 14/4/1997) và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh - sau là Tổng Bí thư (ngày 20/8/1999). Thủ tướng khen Đạ Tẻh quản lý và bảo vệ rừng khá tốt so với nhiều địa phương trong nước và đi bộ ra thăm chợ huyện. Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi ân cần đời sống bà con dân tộc thiểu số gốc địa phương và các dân tộc thiểu số khác từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp tại đây, đồng thời tặng quà cho các hộ gia đình chính sách tiêu biểu.
Nhiều hộ nghèo trong huyện còn nhớ mãi dịp kỷ niệm huyện Đạ Tẻh tròn 20 năm hình thành và phát triển (1986 - 2006). Nhiều phương án tổ chức được nêu ra nhưng không tránh khỏi hình thức, lãng phí. Lúc đó đồng chí Bí thư Huyện ủy Đỗ Phú Quới đã có sáng kiến: Phát động trong cán bộ và Nhân dân đóng góp tiền của xây dựng 20 căn nhà cho người nghèo. Bản thân đồng chí Bí thư đã đến từng huyện, thành phố trong tỉnh, gõ cửa từng doanh nghiệp, từng nhà hảo tâm để… xin tiền cho dân. Và kết quả vượt xa kế hoạch ban đầu, số tiền quyên góp được đủ xây 100 căn nhà, vượt 80 căn. Nhiều gia đình được đón xuân mới trong những mái ấm tình thương. Có gia đình trìu mến đặt cho cái tên “nhà ông Quới”. Có an cư mới lạc nghiệp, nhiều hộ nghèo được tặng nhà đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày một khá giả.
Đến Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đạ Tẻh cơ bản đã ổn định và có những bước phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn tiếp tục được chú trọng. Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch hợp lý, khoa học. Cây dâu, con tằm khẳng định vị thế của cây làm giàu. Toàn huyện phát triển gần 1.340 ha cây dâu, sản lượng kén đạt trên 3.300 tấn một năm. Cây lúa vốn là cây tự cung tự cấp về lương thực nay đã và đang trở thành hàng hóa có giá trị. Năm 2016, huyện Đạ Tẻh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận giống lúa Nếp Quýt đạt thương hiệu quốc gia.
Ba mươi ba năm đã qua (1986 - 2019), nhờ đoàn kết một lòng, sự nối tiếp của các thế hệ, biết phát huy dân chủ, sáng tạo và tự lực vươn lên, Đạ Tẻh đã có vóc dáng như ngày hôm nay. Mỗi bước trưởng thành của cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã để lại những mốc son, in đậm những dấu ấn rất đáng tự hào.
Có được những thành quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sắc của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành hiệu quả của các cấp chính quyền cùng với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Chắc chắn rằng với đà tăng trưởng này sẽ góp phần đưa huyện Đạ Tẻh phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM