Nếu Liên Xô chiếm thủ đô Berlin của Đức Quốc xã vào 30/4/1945 đã báo hiệu sự chấm dứt chủ nghĩa phát xít trên thế giới thì chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 của Việt Nam đã báo hiệu sự chấm dứt của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Nếu Liên Xô chiếm thủ đô Berlin của Đức Quốc xã vào 30/4/1945 đã báo hiệu sự chấm dứt chủ nghĩa phát xít trên thế giới thì chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 của Việt Nam đã báo hiệu sự chấm dứt của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
|
Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh: Tư liệu |
Chiến thắng “pháo đài không thể xâm phạm”
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Mỹ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất thế giới. Về quân sự, Mỹ có lực lượng mạnh nhất thế giới tư bản và đang độc quyền vũ khí nguyên tử. Trước khi thất bại ở Điện Biên Phủ, Mỹ chưa từng bị nếm trải mùi vị này. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ cùng đồng minh đã đẩy lùi được quân đội Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chí nguyện quân Trung Quốc dưới sự giúp đỡ của Liên Xô về lại bắc vĩ tuyến 38.
Lo sợ bị Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tiến công và phong trào giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản trỗi dậy, vào năm 1953, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao đã đề ra “học thuyết Ai-xen-hao” với chiến lược “trả đũa ào ạt” làm chiến lược quân sự toàn cầu mới. Trong đó, Việt Nam được xem là một mục tiêu. Tháng 7/1953, Mỹ phê chuẩn “Kế hoạch Nava” của Bộ chỉ huy Pháp, gánh chịu mọi khoản chi phí cho kế hoạch đó, gồm gần 400 triệu đô la. Kế hoạch Nava đề ra mục tiêu “giành thắng lợi quyết định trong 18 tháng để kết thúc chiến tranh”. Tính đến tháng 1/1954, Mỹ đã chiếm 78% chi phí chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Riêng về quân sự, Mỹ đã “viện trợ” cho cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương gồm 360 máy bay, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 390 tàu chiến và tàu quân sự, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng trường và súng máy. Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Tướng Pháp Nava sau này viết trong hồi ký rằng: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
Tuy nhiên, vào mùa khô 1953 - 1954, bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược, nhằm giải phóng đất đai và buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Kế hoạch Nava đứng trước nguy cơ thất bại. Để giành lại ưu thế quân sự, vào tháng 11/1953, Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn đã sang Việt Nam thị sát tình hình và đưa ra giải pháp. Ngay sau đó, ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau đó ra đời, là nước cờ cuối cùng của Mỹ và Pháp. Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.
“Canh bạc Điện Biên Phủ” đã tiêu tốn hơn 40% quân số viễn chinh của Pháp ở Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự đã không như dự tính của Mỹ và Pháp. Trước nguy cơ Điện Biên Phủ thất thủ, Đô đốc Arthur W.Radford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã soạn ra kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Bản kế hoạch tuyệt mật này được gọi là “Chiến dịch Kền Kền” (Operation Vulture). Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfort (mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom) cất cánh từ căn cứ không quân Clark Field ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ; đồng thời dùng 150 máy bay chiến đấu để hộ tống các máy bay ném bom nói trên… Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn rất tán đồng điều này. Ngày 20/3/1954, Tướng Pháp Paul Ely, Tham mưu trưởng quân đội Pháp đã tới Washington chính thức đề nghị Mỹ giúp để tiến hành cuộc ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ. Nhưng khi đưa “Chiến dịch Kền Kền” ra thăm dò tại Quốc hội thì đã bị phản đối. Hầu hết các nghị sĩ đều lắc đầu, bởi họ sợ phải đưa lục quân vào Việt Nam và rơi vào một cuộc chiến tranh nữa giống như ở bán đảo Triều Tiên vừa đình chiến. Mặc dù vậy, đã có 37 phi công Mỹ đã âm thầm thực hiện gần 700 phi vụ tại Điện Biên Phủ. Tài liệu lưu trữ của Mỹ có ghi việc hai phi công Mỹ tên là James B.Mc Govern và Wallace A Buford lái chiếc máy bay C-119 đã bị cao xạ pháo Việt Nam bắn rơi ngày 6/5/1954. Hai phi công này là những người lính Mỹ đầu tiên bị thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam.
Vào tháng 4/1954, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cũng đã hỏi người đồng cấp Pháp Georges Bidault về việc sử dụng hai quả bom nguyên tử nhằm chống lại các đợt tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng phía Pháp bác bỏ, vì nếu làm thế thì quân Pháp đang bị bao vây cũng sẽ bị banh xác vì bom nguyên tử. Bởi vậy, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nhận thấy thực dân Pháp đã hết thời, Mỹ đã quyết định hất cẳng Pháp để thực hiện âm mưu của mình tại Việt Nam với bước đi đầu tiên là biến miền Nam Việt Nam thành “thuộc địa kiểu mới”. Năm 1969, Níchxơn lên làm Tổng thống Mỹ đã thực thi lại nhiều dự định còn dang dở vào năm 1954 tại Điện Biên Phủ. Từ ngày 18-29/12/1972, được lệnh của Níchxơn, không quân Mỹ với pháo đài bay B-52 đã định biến Hà Nội về “thời kỳ đồ đá” nhưng bị thất bại thảm hại. Trận chiến này sau đó được nhớ đến như trận “Điện Biên Phủ trên không”. Và với chiến thắng vào ngày 30/4/1975, chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã bị phá sản hoàn toàn.
Làm thay đổi thế giới
Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà sử học Mỹ Berna Fol đánh giá: “Lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”. Jean Pouget, một cựu sĩ quan trong lực lượng viễn chinh Pháp, cay đắng nhận xét: “Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực dân và khởi đầu cho kỷ nguyên độc lập của thế giới thứ ba”.
Trong cuốn sách “Điện Biên Phủ, trận đánh kết thúc một cuộc chiến tranh thực dân”, nhà văn nổi tiếng người Đức He-ri Thoi-ơ, người đã có mặt ngay ở Điện Biên Phủ vào những ngày tháng 5/1954 khi đó còn đang nồng nặc mùi chiến trận và đã cảm nhận được rằng: “Điện Biên Phủ là bước ngoặt lịch sử, báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân”. Trong dịp đến thăm Việt Nam, Rônê Depextôrô, một nhà thơ người Haiti đã thốt lên: “Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần vinh quang đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”.
Năm 1955, chỉ một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị 29 nước Á - Phi đã họp ở Bandung (Indonesia). Lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Tại hội nghị này, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.
Nhìn lại để đánh giá, quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương chỉ chiếm 25% quân số, số còn lại được huy động từ 17 nước thuộc địa. Chính vì vậy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay bởi những người lính thuộc địa này đã mang tinh thần đấu tranh của người Việt Nam trở về quê nhà. Khởi đầu là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Algeria đã ra đời. Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954-1962), nhân dân Algeria đã buộc Chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Và khi nói về thắng lợi này, Abdelkader Bensalah - Chủ tịch Thượng viện Algeria cho rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể?”. Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm Châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
NGUYỄN VĂN TOÀN