Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước...
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung này là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Theo Bác, đoàn kết là lực lượng vô địch để khắc phục mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, dìu dắt trưởng thành, 90 năm qua, thực tiễn cách mạng nước nhà là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một bài học, nguyên tắc căn bản trong đường lối cách mạng của Đảng. Sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.
Ngay từ khi Đảng mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Bản Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm đoàn kết các giai tầng, khơi dậy lòng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời kỳ cách mạng 1930-1945, tổ chức mặt trận dân tộc đã được Đảng ta thiết lập, lãnh đạo. Qua từng giai đoạn, mặt trận có những hình thức và tên gọi khác nhau phù hợp với yêu cầu cách mạng. Khẳng định về thành công của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể Nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc (1945-1975), truyền thống đoàn kết của dân tộc được nâng lên tầm cao mới, trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu của dân tộc. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được mở rộng và tiếp tục phát triển, góp phần động viên toàn dân lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và những thắng lợi của Nhân dân hai miền Nam-Bắc, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước (từ 1975 đến nay), Đảng và Nhà nước ta tiếp tục nêu cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong một mặt trận thống nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tư tưởng “đại đoàn kết”, “lấy dân làm gốc” của Bác Hồ luôn là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt các kỳ đại hội của Đảng, được coi là nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học có tính quy luật, là đường lối chiến lược, là nguồn lực to lớn quyết định sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thật sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần làm cho cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Pháp luật phải bảo đảm để Nhân dân thật sự là người chủ, thật sự làm chủ như Hiến pháp đã quy định. Bên cạnh đó, chúng ta phải thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước mà còn là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân.
Hơn 50 năm, trước lúc Người đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dặn thiêng liêng trong Di chúc “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện tại, chúng ta càng thấm thía tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ Nhân dân giao phó cho chúng ta”.
LAN HỒ