Lâm Đồng xếp thứ 40 về chỉ số cải cách hành chính

09:05, 20/05/2020

(LĐ online) - Ngày 19/5, Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đã được tổ chức tại Hà Nội.

(LĐ online) - Ngày 19/5, Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đã được tổ chức tại Hà Nội.
 
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Chủ trì hội nghị ở đầu cầu Hà Nội là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Cùng dự có ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương.
 
Tại đầu cầu Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện thành trong tỉnh. 
 
Hội nghị đã nghe tóm tắt báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước và chỉ số hài lòng của người dân năm 2019; đồng thời, lắng nghe các báo cáo, ý kiến phát biểu của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành trong nước.
 
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ cùng 63 tỉnh, thành năm 2019. Đối với khối cơ quan bộ và ngang bộ, chỉ số trung bình CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ là 85,6 điểm, tăng 2,9 điểm so với năm 2018. Kết quả được chia làm 2 nhóm: Nhóm A với chỉ số CCHC trên 90 điểm gồm 3 đơn vị; nhóm B có chỉ số CCHC từ trên 80 điểm đến dưới 90 điểm gồm 14 đơn vị còn lại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả 95,4 điểm; thứ nhì là Bộ Tài chính, kế tiếp là Bộ Tư pháp; thấp nhất là Bộ Giao thông Vận tải, chỉ đạt 80,53 điểm. 
 
Với các tỉnh, thành phố, chỉ số CCHC 2019 cũng được phân theo 3 nhóm. Nhóm A đạt từ 90 điểm trở lên, gồm 1 tỉnh Quảng Ninh. Nhóm B, đạt từ 80 điểm đến dưới 90 điểm gồm 43 tỉnh, thành phố. Nhóm C có điểm từ 70 điểm đến dưới 80 điểm gồm 19 tỉnh, thành phố. Chỉ số điểm trung bình CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố 81,1 điểm, cao hơn 4,2 điểm so với điểm trung bình năm 2018 và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Đặc biệt, trong năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70 điểm. 
 
Căn cứ vào bảng xếp hạng trên, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước với 90,09 điểm và đây là lần thứ 3 liên tiếp tỉnh này dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC của cả nước. Đứng thứ nhì trong bảng xếp hạng là Hà Nội, kế tiếp là Đồng Tháp; đứng cuối bảng xếp hạng là Bến Tre với 73,8 điểm. 
 
Với Lâm Đồng, chỉ số CCHC năm 2019 đạt 80,66 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh thành trong nước, tăng 7 bậc so với năm 2018.
 
Với chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 có 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ hành chính, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017. Đặc biệt, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ tăng nhiều nhất, các chỉ số về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh kiến nghị thấp nhất. 
 
Căn cứ vào xếp hạng trên, Quảng Ninh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất là 95,2 %; thấp nhất là Bình Thuận với 73,8% - chênh lệch 21,4%. Lâm Đồng đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng, đạt 86,7%. So sánh trong 3 năm gần đây, từ 2017 đến nay, 25/63 tỉnh có chỉ số hài lòng tăng, 35/63 tỉnh tăng thiếu bền vững; 3/63 tỉnh giảm.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong công tác CCHC năm 2019; đồng thời, biểu dương các bộ, địa phương đạt các kết quả cao trong công tác CCHC. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế về công tác chỉ đạo điều hành của bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi trọng công tác CCHC; tình trạng văn bản còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, văn bản chồng chéo gây khó khăn trong quá trình giải quyết; chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức trong giải quyết thủ tục hành chính; còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ. 
 
Chính vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác CCHC vừa qua. Tùy theo tình hình thực tế, năng lực ở từng bộ, ngành, địa phương áp dụng các hình thức phù hợp gắn với tuyên truyền cho người dân tiếp nhận được các thủ tục hành chính; triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới, sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC trong thời gian tới, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương nâng cao trách nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những kết quả trong CCHC, đẩy mạnh rà soát, tinh gọn bộ máy, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, nội dung đánh giá chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân phù hợp với các yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá khách quan, công bằng, kịp thời. 
 
NHẬT QUỲNH - VIẾT TRỌNG