(LĐ online) - Chiều 26/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
(LĐ online) - Chiều 26/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
|
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và các đại biểu tham dự kỳ họp theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Lâm Đồng |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và các đơn vị liên quan.
Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu đưa các hoạt động đầu tư mới vào phạm vi điều chỉnh như các hoạt động đầu tư về công nghệ Grab, Uber theo hướng quy định các nguyên tắc để điều chỉnh các hoạt động này. Đối với các hoạt động đầu tư mới thì vẫn phải thực hiện thông báo nhưng không phải thực hiện cấp giấy phép kinh doanh và giao Chính phủ hướng dẫn hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu; đồng thời, thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Dự thảo Luật chỉnh lý bổ sung tại khoản 5 Điều 21 về hình thức đầu tư, trong đó có quy định các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới.
Có ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.
Có ý kiến khác tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là giữ quy định như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật này. Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu và 4 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến, phân tích sâu về một số nội dung như: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan; chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có việc cấm hay không hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh); về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; về hình thức hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; về điều khoản chuyển tiếp…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tại phiên thảo luận các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật. Cụ thể như về vấn đề áp dụng Luật và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; về tính cụ thể, tính khả thi của Dự án Luật; về phạm vi điều chỉnh của Luật, về các khái niệm. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: Đa số ý kiến thống nhất vẫn giữ các Phụ lục 1, 2, 3 quy định tại Dự thảo Luật. Khi cần thiết Chính phủ có thể trình để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyết định thay đổi. Về vấn đề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị ĐBQH thông qua hệ thống điện tử. Về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất thêm một số lĩnh vực đầu tư cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư; về dự án đầu tư liên quan đến an ninh, quốc phòng; về xử lý tranh chấp; về dừng và chấm dứt các dự án đầu tư; về chuyển nhượng dự án đầu tư; về năng lực của các nhà đầu tư, nhất là về năng lực tài chính; về thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư; về các điều khoản chuyển tiếp, cũng như là kỹ thuật văn bản...
Các ý kiến thảo luận của các vị ĐBQH sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội để xem xét, thông qua.
Trong ngày hôm nay, 27/5, Quốc hội tiếp tục họp trực tuyến để xem xét về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp này sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.
NGUYỆT THU