Quốc hội thảo luận giám sát tối cao về xâm hại trẻ em

06:05, 27/05/2020

(LĐ online) - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành một ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

(LĐ online) - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành một ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
 
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, HĐND, Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các sở ngành liên quan khác.
 
Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga trình bày tóm báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và xem phim tư liệu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
 
Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương; tổ chức các hội thảo, điều tra xã hội học, khảo sát một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu hồ sơ một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát.
 
Từ thực tế công tác giám sát, Đoàn giám sát có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 05 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời, có kiến nghị đối với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em. Trong năm 2020, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản về chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em.
 
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%. Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%. Đề nghị Toà án Nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%. Đề nghị Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
 
Tiếp đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu phân tích kỹ lưỡng, khoa học về những hạn chế, yếu kém trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều góp ý rất cụ thể cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
 
Tham gia thảo luận góp ý về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh: Số liệu và thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời hoặc chưa phát hiện và nhất là những xâm hại gây tổn tương đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Cụ thể:  từ 01/01/2015 đến 30/6/2019 có 8.709 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, ngoài con số nêu trên thì báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra còn 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, 156.932 trẻ em bị bỏ rơi, vậy trong số đó chắc chắn còn những đối tượng bị xâm hại có thể về vật chất hoặc tinh thần nhưng chưa được phát hiện. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phòng chống xâm hại trẻ em đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường với các cơ quan, đoàn thể về quản lý và tuyên truyền, giáo dục trẻ em; sự quan tâm của Nhà nước để đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động mang tính thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Đại biểu Nguyễn Tạo cùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp cấp thiết đưa ra giải pháp để giảm thiểu, phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em đang có dấu hiệu tăng và chuyển biến phức tạp như hiện nay.
 
Cùng ý kiến thảo luận, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần có điều tra khoa học, bài bản thống kê số liệu trẻ em xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… và các hình thức gây tổn hại khác theo Luật Trẻ em để dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong tương lại cũng như phục vụ công tác xây dựng chính sách trong giai đoạn tới. Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ khẩn trương lồng ghép kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống xâm hại trẻ em như là một hợp phần quan trọng của chương trình quốc gia. Trong đó, đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại cùng các giải pháp theo lộ trình và có phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tổ chức hữu quan.
 
Có ý kiến khác lại cho rằng cần phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng cho trẻ để khai thác thông tin mạng an toàn. Đại biểu kiến nghị các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác; đồng thời, tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.
 
Ngày mai, 28/5, Quốc hội tiếp tục làm việc và nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
 
NGUYỆT THU