(LĐ online) - Sáng 28/5, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cùng các vị ĐBQH đoàn Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan tiếp tục tham dự trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV...
(LĐ online) - Sáng 28/5, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cùng các vị ĐBQH đoàn Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan tiếp tục tham dự trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận trực tuyến Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là ngày làm việc cuối cùng kết thúc đợt I, Kỳ họp thứ 9, sau đó Quốc hội họp sẽ họp tập trung tại thủ đô Hà Nội...
|
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu Lâm Đồng |
Trình bày tờ trình về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, Chương trình được thiết kế thành 10 dự án. Ở giai đoạn lập dự án khả thi, Chính phủ sẽ phân công các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án cụ thể, trên cơ sở phát huy và đề cao trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc các cấp. Cụ thể, phấn đấu cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với trên 16.100 hộ, sinh sống ở 32 tỉnh trong cả nước; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền. Đồng thời, giúp 100% xã vùng đồng bào dân tộc có đường ô tô đến trung tâm xã; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nước sạch, trường học, sắp xếp, ổn định dân cư; định canh, định cư, phổ biến kiến thức, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.
Báo cáo thẩm tra, Hội đồng Dân tộc cũng thống nhất về sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng dân tộc, tuy nhiên cần phải làm rõ được cơ sở tính toán để đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nhất là làm rõ việc thực hiện Chương trình nhằm thay đổi về đời sống, thu nhập, kinh tế hay xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng đối với Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm 11 chương với 108 điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý Nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đa số các đại biểu thống nhất chung với các nội dung Dự án Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng cần phải làm rõ quy mô đầu tư theo phương thức PPP; hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP; lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo phương thức PPP..
Trực tiếp tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Tại điều 4, đối với lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại đầu tư theo phương tức PPP (tại điểm b khoản 1 Điều 4), đề nghị chọn phương án 1 lưới điện; nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện). Vì hiện nay trên thế giới có nhiều loại nhà máy điện thân thiện môi trường và đòi hỏi kỹ thuật cao (như điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sóng biển, điện hạt nhân…) và vốn đầu tư ban đầu là rất lớn mà hiện nay nước ta còn khó khăn chưa đủ điều kiện đáp ứng được nên việc hợp tác đầu tư để làm các nhà máy điện như trên (trừ nhà máy thủy điện) là phù hợp. Tại điều 7, đối với việc sử dụng vốn Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (tại điểm d khoản 1 Điều 71) đề nghị chọn phương án 2 (Chi trả phần lỗ). Bởi vì, qua công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thì chúng ta mới biết việc sử dụng vốn theo phương thức PPP có đúng mục đích và biết được lỗ phần nào để dễ khắc phục. Còn tại điều 76, đối với việc lập kế hoạch vốn đầu tư công sử dụng trong dự án (tại khoản 4 Điều 76) đề nghị chọn phương án 2 “… áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ và xử lý cơ chế chia sẻ phần lỗ”. Bởi vì, qua kết quả kinh doanh và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thì chúng ta mới biết phần tiền bù lỗ có phù hợp với việc kinh doanh hoạt động theo phương thức PPP hay không.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018, nghe báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018 và nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật.
NGUYỆT THU