Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dịch Covid-19 cơ bản đã được đẩy lùi

07:05, 05/05/2020

Ngày 5-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4...

Ngày 5-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4. Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được đẩy lùi. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ cảm ơn những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4
 
Nhấn mạnh mục tiêu kép ứng phó thành công dịch bệnh và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm, đặc biệt cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh (19 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng.
 
Bốn tháng qua, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với kịch bản cơ sở (dịch Covid-19 đạt đỉnh trong quý II-2020 và giảm trong nửa cuối năm 2020), GDP toàn cầu năm 2020 sẽ âm 3%. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước. Vì vậy, tại phiên họp hôm nay, cần tập trung ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, bên cạnh việc chú ý các biện pháp phòng, chống dịch.
 
Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”. Dẫn lại dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (tăng trưởng cao nhất Đông - Nam Á, đạt khoảng 2,7%), Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đạt cao hơn mức này. “Cao thì khó lắm, mục tiêu kế hoạch là khó lắm” nhưng chúng ta không thể và không được để tăng trưởng thấp. Có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất.
 
Thủ tướng cũng đặt vấn đề làm sao tăng trưởng, nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4% cũng rất quan trọng, “chứ tăng trưởng mà để lạm phát quá cao thì không còn ý nghĩa”.
 
Bên cạnh kinh tế, Thủ tướng cũng đề nghị bàn về các vấn đề xã hội, trong đó có việc làm sao tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, an toàn, chất lượng.
 
Các thành viên Chính phủ cần đánh giá, thảo luận các biện pháp khắc phục những bất cập như công nghiệp giảm mạnh, các dịch vụ như hàng không, lữ hành, khách sạn, ăn uống sụt giảm, hay giải pháp để làm sao doanh nghiệp phát triển khi mà thời gian qua số lượng doanh nghiệp giảm mạnh.
 
Đặc biệt, theo Thủ tướng, làm sao các công trình xây dựng cơ bản, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, phải được khởi động. “Tất cả câu hỏi như vậy, tôi đề nghị các đồng chí cho ý kiến đóng góp để chúng ta có một nghị quyết tốt nhất, đóng góp cho sự phát triển đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân”, Thủ tướng nói, từ đó, ban hành nghị quyết kịp thời hơn, bên cạnh Nghị quyết 42, Nghị định 41, Chỉ thị 11… thì nghị quyết này tiếp tục thể hiện tinh thần tháo gỡ rõ nét hơn, cụ thể.
 
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ xem xét việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 nếu thấy cần thiết để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội trong thời gian tới. Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần quyết liệt tháo gỡ, không để tình trạng trì trệ, chậm trễ như thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương, một số công trình. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700 nghìn tỷ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng, “các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được”, không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn.
 
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế như chế biến, chế tạo, công nghiệp, các ngành dịch vụ như hàng không, vận tải, du lịch quốc tế... DN chúng ta gặp rất nhiều khó khăn; một bộ phận không nhỏ người lao động phải nghỉ việc, không có thu nhập.
 
Tuy nhiên, chúng ta thấy Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ rất nhiều nhưng vẫn là nước có tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế sau dịch; giá cả lương thực, hàng hóa ổn định, đời sống nhân dân cơ bản được bảo đảm tốt. Chúng ta đánh giá cao sự chủ động, chất lượng điều hành của các cấp, các ngành được nâng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, với sự tham mưu kịp thời của các ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Chỉ thị, Nghị quyết đúng đắn, kịp thời, đi vào cuộc sống.
 
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... với những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn. Do đó các cấp, các ngành phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đây là nguồn lực lớn để đóng góp tăng trưởng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch (PCD) đã được triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, đạt kết quả tốt, đẩy lùi dịch ở Việt Nam, không lây lan trong cộng đồng. Việt Nam là nước lây nhiễm thấp nhất so số dân, chưa có người tử vong. Chính phủ có nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân. Lần đầu tiên, Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho 20 triệu người gặp khó khăn. Thủ tướng yêu cầu cần đưa tiền đến đúng đối tượng kịp thời gian. Dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác; tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi đông người; chưa cho hoạt động trở lại một số ngành có nguy cơ lây nhiễm. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
 
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển KTXH; nới lỏng để phát triển SXKD, phục hồi các hoạt động xã hội, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, đô thị lớn. Giao chính quyền các địa phương căn cứ tình hình địa bàn có đối sách phù hợp. Tinh thần là khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải nỗ lực gấp ba. Chung sức chung lòng trên mặt trận KTXH, coi đây là trọng tâm để phục hồi các hoạt động, SXKD, đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch. Đây là "thời điểm vàng" để tiếp tục phát triển kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho nhân dân. Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành, lãnh đạo địa phương nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập tháo gỡ khó khăn cụ thể cho người dân và DN. Đề nghị lãnh đạo sâu sắc hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính cản trở sự phát triển. Thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương (BNĐP). Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương phải "xắn tay" vào cuộc. Lãnh đạo phải đi trước một bước, trăn trở, suy nghĩ, động viên, giải quyết, khích lệ kịp thời cán bộ công chức; nâng cao năng lực dự báo ở các BNĐP. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, hiệu lực hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương vì đất nước.
 
Thủ tướng nói rõ, tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, chú trọng các biện pháp PCD. Nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP theo phương án tối ưu trên 5% chứ không phải như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo là 2,7%. Muốn như vậy là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các BNĐP phải được đặt ra. Đẩy mạnh thu hút FDI, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, tiêu dùng nội địa là năm mũi đột phá để tăng trưởng trong giai đoạn này, trong đó vai trò người dân và DN là nền tảng sự phát triển. Muốn thực hiện mục tiêu đó, phải bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho SXKD trong điều kiện bình thường mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các cấp, các ngành; tập trung xử lý cho các loại hình DN phát triển, kể cả xử lý về thuế, phí. Các ngành ngân hàng, tài chính phải "xắn tay" vào xử lý. Quan tâm hơn nữa an sinh xã hội với Nghị quyết hỗ trợ về an sinh xã hội đã đưa ra, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, chống quan liêu.
 
Thủ tướng nêu rõ, năm nay, tình hình thế giới nói chung và các đối tác lớn của Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, dự đoán tăng trưởng âm. Việt Nam là nước hội nhập, do đó cần xem xét các chỉ tiêu như GDP, ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công. Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo T.Ư về việc báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về KTXH trong tình hình mới, trong đó điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu KTXH năm nay. Việc này cần phải làm ngay để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội ngay tại kỳ họp sắp tới; làm như vậy để đỡ áp lực trong chỉ đạo điều hành, đồng thời có thể vay thêm nguồn để phát triển. Thủ tướng đồng ý đề nghị Quốc hội tăng bội chi ngân sách và nợ công.
 
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó Bộ Tài chính điều chỉnh bội chi ngân sách và nợ công. Cần chọn kịch bản tốt nhất, lạc quan và trách nhiệm nhất. Yêu cầu Bộ KH-ĐT báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 10-5 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội ngay tại kỳ họp sắp tới. Chúng ta phấn đấu ở mức tối đa, gấp đôi mức IMF khuyến cáo Việt Nam, lượng trước tình huống khó khăn nhưng phải thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
Chúng ta cũng lưu ý về bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các bộ, ngành liên quan phải theo dõi sát tình hình để bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với những điểm sáng trong PCD thì cần phải làm tốt việc chống tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền những thành công trong PCD mà thế giới đánh giá cao; nhấn mạnh hơn nữa phục hồi phát triển KTXH; cần tạo khí thế mới mạnh mẽ trong thúc đẩy SXKD, phát triển đất nước.
 
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ động, tích cực hướng dẫn các Sở GD-ĐT và các trường bảo đảm an toàn học sinh đi học trở lại. Thủ tướng lưu ý giãn cách học sinh phù hợp thực tế, không cứng nhắc như hiện nay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các trường thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên đến trường. Đối với các phương án tổ chức thi THPT 2020 cơ bản không có nhiều thay đổi so năm 2019. Bộ GD-ĐT ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ở địa phương mình, nội dung thi phù hợp; các trường cao đẳng, đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh. Bộ khẩn trương hành các quy chế và hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng; chuẩn bị đề thi chất lượng, có phần mềm chấm thi bảo đảm an toàn, bảo mật; tăng cường công nghệ giám sát, thanh tra công tác tổ chức kỳ thi, bảo đảm kỳ thi tổ chức thành công. Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm toàn diện về bảo đảm an toàn, nghiêm túc các kỳ thi tại địa bàn.
 
* Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo Nghị quyết nêu ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp chi tiết được phân theo thẩm quyền: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết nghị ngay; nhóm giải pháp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định; và nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ quyết nghị chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện ngay trong phạm vi chức năng, thẩm quyền.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp, các ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương và các hiệp hội ngành, nghề, doanh nghiệp tập trung vào năm nhóm vấn đề: Đề nghị miễn, giảm các loại thuế; đề nghị miễn, giảm các loại phí, lệ phí; đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tập trung vào thuế xuất khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết tháng 12-2020; cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài; về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...
 
Theo dự thảo, Chính phủ quyết nghị thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
 
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá… Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam…
 
Cũng theo dự thảo, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.
 
Về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn.
 
Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
 
Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các Chỉ thị của Thủ tướng, rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình; tích cực đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt hồ sơ của các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh còn đang tồn đọng; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.
 
Về đầu tư công, tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công… Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.
 
* Tính đến ngày 22-4, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,75% so cuối năm 2019 (tăng 12,58% so cùng kỳ), huy động vốn tăng 0,35% (tăng 12,16% so cùng kỳ); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,99% (tăng 10,75% so cùng kỳ). Tính chung bốn tháng đầu năm, cả nước có 37.596 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 445.223 tỷ đồng, giảm 13,2% về số DN và giảm 17,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2019.
 
(Theo nhandan.com.vn)