(LĐ online) - Khởi nguồn từ đầu tháng 1/2020, Đại dịch Covid - 19 tràn qua khắp các châu lục với tốc độ chóng mặt, nhiều người đã chết...
(LĐ online) - Khởi nguồn từ đầu tháng 1/2020, Đại dịch Covid - 19 tràn qua khắp các châu lục với tốc độ chóng mặt, nhiều người đã chết. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra lời cảnh báo đại dịch. Lệnh phong tỏa quốc gia “nội bất xuất, ngoại bất nhập” được nhiều nước ban bố. Đến ngày 23/4/2020, đại dịch Covid - 19 đã quét qua hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2.645.784 người nhiễm bệnh, 184.327 người chết. Chưa bao giờ thế giới hiện đại rơi vào đại thảm cảnh như thế này và cũng chưa bao giờ loài người sợ hãi, chạy trốn “kẻ sát nhân vô hình” như lúc này... Thế nhưng trong cơn nguy biến ấy, nhân loại đã nhìn về Việt Nam, đất nước được báo chí thế giới, dư luận xã hội và đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới ngợi ca về cách mà Việt Nam ngăn dịch. Nhân dân Việt Nam thì tự hào với tinh thần cả nước “chống dịch như chống giặc”; Việt kiều thì đưa nhau về Tổ quốc với một niềm tin về sự an toàn tính mạng; du khách nước ngoài thì tỏ lòng cảm kích bằng 4 chữ gọn gàng: “tuyệt vời Việt Nam”. Còn tôi, ngoài sự tin tưởng, tôi còn rất tự hào - tự hào không chỉ về tinh thần chống dịch mà còn tự hào về: lòng tử tế, tính nhân văn, nhân quyền Việt Nam!
"THÔNG ĐIỆP KHÔNG LỜI" VỀ MỘT DÂN TỘC TỬ TẾ
Ông Tạ Hoa Kiên hơn 70 tuổi, một Việt Kiều Mỹ về thăm Việt Nam giữa lúc vi rút Corona làm “chấn động” thế giới. Chuyến bay của ông phải quá cảnh tại sân bay quốc tế Hàn Quốc và không may ông bị nhiễm vi rút Corona tại đây. Vô tình mang vi rút về Việt Nam, ông Kiên được y, bác sĩ trong nước cứu chữa và chăm sóc tận tình. Ngày ông Kiên khỏi bệnh trở về Mỹ, vừa xuống sân bay San Francisco, lập tức, ông được nhà báo “nửa vòng trái đất” săn đón và có cuộc phỏng vấn độc quyền tại sân bay. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông Kiên hoan hỉ kể lại toàn bộ câu chuyện 21 ngày điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Thông qua cuộc phỏng vấn, ông Kiên gởi lời cám ơn rất chân thành đến đội ngũ y tá, bác sĩ, cám ơn bệnh viện; cám ơn Chính phủ Việt Nam. Ông Kiên nói rằng ông rất ngạc nhiên khi không hề tốn một xu nào dù ông từng nhẩm tính chi phí mà ông phải trả sẽ trên 100 triệu đồng. Nhưng điều làm ông xúc động nhất chính là lòng tử tế Việt Nam. Ông nói: “Trong 21 ngày nằm điều trị, đội ngũ y, bác sĩ đối với tôi như người nhà, họ tử tế lắm, tôi rất xúc động! Chuyến đi này của tôi là chuyến đi nhớ đời, bởi vì tôi về từ cõi chết”. Khi được hỏi ông có dự định về Việt Nam nữa không, ông Kiên nói ngay: “Về chứ, tôi sẽ còn về Việt Nam nhiều lần nữa, đó là nơi chôn nhau, cắt rốn, quê hương mình mà”… Ông Kiên nói thêm: “Tôi về Việt Nam thuần túy là thăm bà con, bạn bè còn những chuyện nào khác thì 'No' không)".
Trong một comment bài viết “Bệnh nhân thứ 92 mắc Covid-19 tại Việt Nam là một du học sinh trở về từ Pháp”, một Việt Kiều ở Châu Âu viết rằng: “Nơi đất khách quê người, người ta không đối xử đủ tốt như ở quê hương mình. Về Việt Nam, dù khỏe hay ốm đau bệnh tật, dù có ngã xuống (chết) thì họ cũng cảm thấy an ủi phần nào. Việt Nam chúng ta thật tốt, tốt hơn tất cả những nơi khác mà tôi biết. Bản thân tôi đang sống bên Châu Âu, tôi cũng rất lo vì hôm nay đã có 1000 người dương tính. Chúng ta cùng dòng máu Việt Nam thì hãy đoàn kết để chống lại bệnh dịch…”
Một du khách tên Sebastien Houssn ở khu cách ly Trúc Bạch - Hà Nội nói trên Việt Nam net:“Mọi người rất quan tâm đến tôi. Trong thời gian cách ly, mọi việc rất hoàn hảo, tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Tuyệt vời Việt Nam!”…
Tôi cũng đã xem clip của một Việt Kiều Mỹ, người này cho hay: “ở Mỹ người già 70 tuổi trở lên tự chữa trị ở nhà, vì thế họ đều sợ hãi, họ rất mong muốn sớm trở về Việt Nam”. Người này khuyên rằng: “Bạn Việt Nam nào đã có Visa sang Mỹ thì trong thời gian này tốt nhất là hãy ở lại Việt Nam, vì sang Mỹ không có việc gì để làm và chi phí y tế ở Mỹ rất tốn kém”.
Đó chỉ là những đơn cử trong hàng vạn những lời nói thật thà của những người đã từng trải nghiệm, từng chứng kiến và từng nghe nói về lòng tử tế Việt Nam, trong đó có rất nhiều du khách.
Ngẫm mà xem có đất nước nào, có dân tộc nào trên thế giới này mà hơn 590 năm trước, tử tế đến mức vừa tha chết, vừa cung cấp lương thực cho 10 vạn quân nhà Minh xâm lược, an toàn về nước (Lê Lợi kháng Minh - cuối năm 1427). Có đất nước nào, có dân tộc nào trên thế giới này tử tế đến mức thánh thiện đối với kẻ thù như chuyện một nữ du kích Củ Chi 18 tuổi, đã không nỡ xuống tay giết chết một nhóm lính Mỹ đang khóc nức nở khi ngồi trên bãi mìn phục kích, đọc thư nhà và xem ảnh người thân.
Người Việt Nam xưa nay vẫn thế, trong hoạn nạn, nguy nan càng tồn sinh lòng tử tế. Phẩm chất ấy đã tồn tại, đã sinh sôi nẩy nở dù cuộc sống phải chịu nhiều đau thương và lắm nỗi thăng trầm! Giờ đây, một lần nữa lòng tử tế đó lại hiển hiện như nó đã từng trong suốt chiều dài lịch sử với rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh không thể tử tế hơn về những con người trên tuyến đầu chống dịch: Những bữa ăn vội vàng, nhường chỗ nằm tốt nhất cho những người bị cách ly; sự ân cần chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ đúng nghĩa câu “thầy thuốc như mẹ hiền”; mọi người dân Việt bất kể nông thôn hay phố thị’; gái trai, trẻ già, đến các em nhỏ; người khó khăn hay khá giả đều sẵn lòng nhường cơm sẻ áo. Người giàu có thì hỗ trợ chính phủ từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng, người không giàu có thì “của ít lòng nhiều” với tinh thần cả nước chung tay dập dịch. Hàng triệu triệu khẩu trang, hàng triệu triệu lít nước sát khuẩn được các cá nhân, các tổ chức chính trị, xã hội nhanh chóng đưa về cấp miễn phí cho người dân từ thành thị đến nông thôn và đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và còn rất nhiều, rất nhiều tổ chức, cá nhân với vạn vạn việc làm tử tế.
Hãy nghe thông điệp “mở lòng” từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”!
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì phải “quyết tâm hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng”. Chúng ta làm hết sức mình vì sức khoẻ, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”.
Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì đúc kết rõ ràng, đầy đủ về lòng tử tế: “báo chí, dư luận nước ngoài khen ngợi, nếu không có hệ thống chính trị như của Việt Nam thì chưa chắc đã làm được. Toàn dân làm, các ngành, các cấp đồng bộ quyết liệt, hưởng ứng nghiêm túc. Trong đó, phải kể đến vai trò của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế. Quân đội, công an vào cuộc, các ngành, các cấp ủy đảng, các địa phương..., Mặt trận, các đoàn thể vào cuộc, kịp thời kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ, thăm hỏi động viên”.
COI SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI LÀ TRÊN HẾT
Y tá gây mê Derrick Smith nói trên Đài CNN (Mỹ) rằng dù anh ta đã quá quen với nỗi kinh hoàng khi một bệnh nhân ra đi, nhưng với đại dịch Covid-19 thì "khủng khiếp hơn nhiều". Smith tiết lộ những lời trăn trối đầy bi thảm của bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại một bệnh viện ở New York (Mỹ): "Ai sẽ trả những chi phí điều trị này?". "Đó là những lời cuối cùng, tôi không bao giờ quên", y tá Smith nói với CNN. "Bệnh nhân này bị suy hô hấp nặng, nhưng mối bận tâm của anh không phải là cơ hội sống sót mà là ai sẽ trả tiền điều trị nếu anh ra đi ". Smith gọi đó là "điều tồi tệ nhất" mà anh ta chứng kiến trong suốt 12 năm theo ngành y. Cũng vì lo ngại chi phí điều trị cao nên nhiều người ở Mỹ không dám kiểm tra khi có triệu chứng nhiễm bệnh. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho Mỹ, một quốc gia hiện đại nhất thế giới, giàu có nhất thế giới lại có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất thế giới với 849.092 ca nhiễm và 47.681 người tử vong (tính đến ngày 23/4/2020). Không riêng gì Mỹ, “kẻ sát nhân vô hình - virus SARS-CoV-2” cũng là nỗi kinh hoàng đối với các nước phát triển như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Nga và một số nước Trung Đông như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Riêng tại Việt Nam, dù đến ngày 30/3/2020, Việt Nam vẫn là số ít quốc gia có số ca nhiễm thấp nhất với 194 ca, chưa có ca tử vong nào, nhưng với quan điểm rõ ràng và quyết liệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi lời kêu gọi: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngay hôm sau 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ lập tức ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc… Đây là biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát: Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Và dù đất nước còn lắm khó khăn, lại phải gồng mình chăm lo hàng trăm ngàn con người đang phải cách ly, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn quyết định hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng, đảm bảo mức sống tối thiểu cho khoảng 20 triệu người dân, yên tâm chờ ngày dẹp yên đại dịch.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện nhiều chính sách an dân như hoãn thuế, miễn thuế, giãn thuế, giảm tiền điện nước, xăng dầu, giảm sâu lãi suất ngân hàng; hỗ trợ, cứu trợ cho những người yếu thế đang gồng mình chống lại đại dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên điện đàm với người đứng đầu quốc gia các nước, gởi gắm, cám ơn sự quan tâm của chính quyền sở tại đối với kiều bào ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đặc biệt đưa người Việt hồi hương với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sự thấu hiểu, sẻ chia, đùm bọc của Chính phủ đã làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người Việt trong nước và loan xa tận vùng hải ngoại.
Cùng với Đảng và Chính phủ, Nhân dân Việt Nam, từ trẻ đến già, từ người thu nhập cao đến người thu nhập thấp; từ các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, đâu đâu cũng một lòng “nhường cơm sẻ áo” bằng những việc làm xúc động lòng người. Đó là chuyện Cụ Nguyễn Thị Nhuận ở Đông Phú, Yên Dũng, Bắc Giang, 79 tuổi ủng hộ 1 triệu đồng cùng Chính phủ chống dịch, số tiền mà cụ tích góp được từ tiền bán rau hàng ngày; cụ Nguyễn Thị Tửu, 101 tuổi, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh dùng số tiền mà cụ dành dụm trong suốt thời gian dài, mua 2 tấn gạo để hỗ trợ các cơ sở cách ly tập trung. Người ta rơi nước mắt khi hình ảnh cụ bà lưng còng - cụ Lê Thị Thanh ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An bán con gà để ủng hộ cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 với câu nói không ai mà không rơi nước mắt: “Đừng chê bà nghèo mà không quyên góp”.
Tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chị em bé Phạm Nguyễn Bảo Trân, 12 tuổi, đập heo đất, gom toàn bộ hơn 2,2 triệu đồng dành dụm, nhờ mẹ chở đến trụ sở công an thị trấn Lạc Dương để ủng hộ “cuộc chiến” chống Covid-19. Cụ Vũ Thị Đấu, 74 tuổi, nhờ cháu chở lên UBND thị trấn Lạc Dương để ủng hộ 5 triệu đồng, số tiền mà cụ dành dụm từ việc trồng rau, nuôi gà. Lạc Dương còn có những chuyến xe mang theo hàng ngàn khẩu trang và hàng hóa của đội PCCC tự quản về tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vừa tặng khẩu trang vừa tuyên truyền, hướng dẫn bà con phòng chống dịch… Chị Nguyễn Thị Thúy, Phường 4, TP.Đà Lạt hàng ngày đi bán bánh chưng, bánh tét dạo. Khi xảy ra dịch bệnh, chị cùng các em gái là Tưởng Ngân và Lệ Khuyên gói hơn 150 đòn bánh tét để hỗ trợ những người bán vé số dạo, chạy xe ôm, lao động phổ thông không có việc làm trong những ngày cách ly toàn xã hội;. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ nhân quầy lưu niệm Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt đã ủng hộ 50 triệu đồng. Và còn rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và nhà hảo tâm ở Lâm Đồng đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng chục tấn rau xanh, cùng nhiều việc làm đầy tính nhân văn, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch. Trong đó Công đoàn Điện Lực ủng hộ trên 250 triệu đồng, ngành thông tin truyền thông hơn 200 triệu, Công đoàn Viễn thông và Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng 110 triệu đồng; chị em phụ nữ huyện Đạ Tẻh thì vận động nhau làm mũ mặt kiếng trao tặng những người làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao; xã Lộc An, huyện Bảo Lâm hỗ trợ gạo, tiền cho người bán vé số dạo…
Việt Nam - mỗi một khi Tổ quốc cần, Đảng gọi thì cả nước “nhất tề hiệp nghĩa” với nhiều việc làm sáng tạo, thấm đẫm nhân văn với hàng chục vạn suất ăn từ thiện ở khắp 3 miền; nhiều cây ATM ra đời tự động phát gạo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn; những “Siêu thị hạnh phúc” 0 đồng khắp cả nước kịp thời cung cấp các nhu yếu phẩm: Gạo, trứng, mắm, muối, dầu ăn, quần áo, rau xanh… cho những gia đình ảnh hưởng thu nhập bởi đại dịch; phong trào hiến máu nhân đạo được Nhân dân khắp mọi miền hưởng ứng và… đã có những buồng chuối, nắm gạo, rổ khoai, những bó rau xanh tươi rói, chuyển đến khu cách ly từ những con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, góp sức, chung lòng cùng Đảng, Chính phủ đẩy lùi “giặc dịch”. Không ít người Việt từ hải ngoại cũng hướng về Tổ quốc với tấm lòng thơm thảo, quyên góp gởi về đất mẹ với tinh thần “của ít, lòng nhiều”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
Không chỉ lo cho Nhân dân trong nước, lo cho những người Việt xa quê hương, Việt Nam còn đồng cảm sẻ chia với cộng đồng quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chân thành chia sẻ: “Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này”. Hàng chục vạn khẩu trang và rất nhiều thiết bị y tế đã vượt trùng dương đến với các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ la tinh; đến với Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đó không chỉ là trách nhiệm hay nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu chống dịch COVID-19 mà sâu thẳm hơn, đó là tình người trong hoạn nạn, nguy nan không phân biệt màu da, châu lục hay thể chế chính trị.
Thế giới đã dành cho Việt Nam rất nhiều mỹ từ và sự trân trọng. Trang Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước”. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneve (www.weforum.org) ngày 30/3/2020, đăng bài của một người Pháp sống ở Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại đã thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân”. Và rằng "chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn".
Nếu nói “nhân văn” là sống thật với cảm xúc của mình, biết đồng cảm, chia sẻ sâu sắc trước những đau khổ, khó khăn của người khác; sống độ lượng, vị tha, khoan dung; yêu nước và độc lập tự cường, sẵn sàng bảo vệ kẻ yếu, đứng về lẽ phải và tôn thờ công lý thì những gì mà Đảng, Chính phủ và toàn thể Nhân dân Việt Nam đã làm là thấm đẫm tính nhân văn trên nền tảng của một đất nước nhân văn, một dân tộc nhân văn.
CHUNG TAY BẢO VỆ QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA NHÂN QUYỀN
Một câu chuyện đầy nước mắt hạnh phúc của đôi vợ chồng quốc tịch Anh, ông Dixong John Garth, 74 tuổi, có tiền sử mắc U - lympho 10 năm. Ông cùng vợ sang Việt Nam vào đầu tháng 3/2020 để thăm con trai ở Đà Nẵng. Không ngờ cả hai vợ chồng ông đều mắc Covid-19 và được chuyển vào bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để theo dõi, điều trị. Vợ ông đã được cứu sống, còn ông thì cái chết như đã cận kề. Thật diệu kỳ, sau hơn 15 ngày tập trung toàn lực, đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam đã cứu ông thoát khỏi tay thần chết. Vợ ông, người phụ nữ từng có hơn 40 năm làm điều dưỡng mừng rơi nước mắt: “Tôi là y tá về hưu. Tôi cảm nhận rõ được tình trạng sức khỏe của mình. Chỉ một vài ngày sau khi nhiễm bệnh tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết... Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi. Tôi nghĩ nếu ở Anh, chưa chắc tôi đã được cứu sống, cám ơn Việt Nam, cám ơn các bạn! ”.
Một đôi vợ chồng người Anh khác là ông Kevin Nevard và bà Hayley Nevard trong chuyến du lịch Việt Nam hồi đầu tháng 3/2020. Nào ngờ trên chuyến bay VN0054 đến Huế, đôi vợ chồng này không may mắc dịch Covid-19 và được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2). Bà Hayley Nevard nói rằng, khi biết kết quả dương tính Covid-19 bà đã rất sốc, hoảng sợ và tưởng rằng mình sẽ chết. Nhưng với sự tận tình cứu chữa của y, bác sĩ ở đây, vợ chồng bà đã khỏi bệnh và trở về Anh quốc an toàn. Ngày 10/4/2020, từ Anh quốc, vợ chồng bà Kevin Nevard viết thư gởi đến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, bày tỏ “…Chúng tôi đã luôn kể và chia sẻ với bạn bè và gia đình về sự chăm sóc tuyệt vời mà các bạn đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi đặc biệt gửi lời cám ơn đến bác sĩ Khoa (ThS.BS Nguyễn Đình Khoa, Phó giám đốc cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế- Trưởng kíp điều trị bệnh nhân Covid-19- PV), đến các điều dưỡng, y tá... Chúng tôi trở về nhà trong tình trạng cách ly xã hội và hàng ngày chứng kiến tin tức kinh khủng về số người tử vong tại hầu hết các thành phố của chúng tôi. So sánh tình trạng đó với cách làm đáng ngưỡng mộ, Việt Nam xử lý dịch Covid - 19 thật sự quá tuyệt vời!”
Bệnh nhân 69 người Mỹ, anh Y.M, 41 tuổi (có vợ người Đà Nẵng) cũng ca ngợi: “Việt Nam đã làm rất tốt trong việc cách ly mọi người để chắc chắn rằng virus không lây lan trong cộng đồng. Tôi cảm ơn Việt Nam đã cứu tôi và bảo vệ gia đình tôi cũng như người dân ở đây. Các y bác sĩ ở đây đã làm những gì tốt nhất để cứu mạng tôi".
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và khi mà người dân các nước đang còn dửng dưng với mạng sống của chính mình thì Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã cảnh giác cao độ, chủ động và quyết liệt phòng ngừa với tinh thần đặt mạng sống con người và sức khỏe cộng đồng lên trên hết. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đồng loạt “quyết chiến” bằng các giải pháp tối ưu nhất để ngăn dịch, cứu người. Bộ Chính trị theo dõi sát sao và chỉ đạo hàng ngày; Chính phủ liên tục họp bàn, tăng cường các giải pháp, giải quyết nhanh những tình huống phát sinh. Toàn bộ thông điệp của Đảng, Chính phủ nhanh chóng được cập nhật và liên tục loan truyền; Nhân dân đón nhận đầy trách nhiệm. Cả nước đồng lòng “ra trận” theo lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc”, cứu mình và cứu người.
Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam bàng hoàng khi hàng ngày nghe tin người chết lên đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn rồi hàng trăm ngàn và cứ mỗi một người được cứu sống trên thế giới đều là mỗi một niềm vui, niềm hy vọng. Việt Nam quyết tâm diệt dịch, cứu người bằng mọi giải pháp mà trường hợp của đôi vợ chồng người Anh, ông Dixong John Garth, 74 tuổi, có tiền sử mắc U - lympho 10 năm. Hay trường hợp của viên phi công người Anh đã bao lần thoát cơn nguy kịch. Và Việt Nam, con số 225 ca chữa khỏi trên tổng số 270 ca nhiễm, đặc biệt là không có ca tử vong nào (tính đến hết ngày 27/4/2020) là những con số diệu kỳ, minh chứng rõ ràng cho thiện tâm, thiện chí của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ “quyền được sống” cho con người, bất kể đó là ai.
Tình người Việt Nam là thế! Tình người “chung một bọc”; tình người không phân biệt biên giới, màu da, huyết thống: “thương người như thể thương thân”! Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên từ trong bản chất và truyền thống ấy, vậy nên, không lạ gì chuyện người dân chung sức, chung lòng với Đảng, Chính phủ, đem lại những thành công trong sư nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Thực tiễn trong 90 ngày chống đại dịch, nếu không có sự đồng thuận toàn xã hội, của người dân thì sẽ không bao giờ làm được điều đó. Kết quả ngày hôm nay minh chứng cho sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, sự đồng cam cộng khổ và sẻ chia của cả hệ thống chính trị”.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tôn vinh thành quả tuyệt vời của Việt Nam và xác định Việt Nam là quốc gia đầu tiên “chiến thắng” đại dịch Covid-19.
Báo chí thế giới khẳng định Việt Nam là “hình mẫu thành công” trong cuộc đại chiến với “kẻ sát nhân cô hình Covid-19” với các cụm từ ngắn gọn: “minh bạch, quyết liệt”; “đoàn kết, kỷ luật”; “đồng thuận” và “hào phóng”. Đài NPR (Mỹ) ngày 16/4 viết: “Việt Nam đã có cam kết chính trị ngay từ đầu ở cấp cao nhất. Và quyết tâm chính trị đó được triển khai nhất quán từ cấp Trung ương tới địa phương”.
Nhiều người nước ngoài cũng đã dành những lời tri ân đặc biệt đối với đất nước, con người Việt Nam. Một giáo viên âm nhạc người Mỹ Chelsea Kerbaugh viết: “Chúng tôi mãi mãi biết ơn!”. Còn ông Alexander Marco Burkhardt (quốc tịch Đức) ca ngợi: “Những con người phi thường. Một đất nước tuyệt vời”. Elyciah Klaartjies (giáo viên tiếng Anh người Nam Phi) thì viết: “Nhờ sức mạnh của các bạn mà tôi không hề thấy sợ hãi”. Daina Raiskuma (người Latvia, quản lý một quán cà phê ở Hà Nội) “cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Việt vì lòng dũng cảm, sự hy sinh và tử tế của họ”. Mohamed Mostafa Shaaban (người Ai Cập, chủ một nhà hàng ở Hà Nội) thì:“Cảm ơn nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam”.
Trên các diễn đàn thông tin mạng, hàng triệu lượt like của người Việt Nam trong nước và hải ngoại, tất cả đều bày tỏ sự hãnh diện, lòng tự hào về đất nước, dân tộc với cảm xúc rất đặc biệt: “Tự hào Việt Nam”; “Tôi yêu Việt Nam; “Tôi yêu đất nước tôi”; “Tuyệt vời Việt Nam tôi”; “Cám ơn Đảng; cám ơn Chính phủ”… Nhiều bài viết, nhiều lượt like đã viết trong nước mắt về những con người nơi tuyến đầu chống dịch; về tình người cao cả của Nhân dân, của Đảng và Chính phủ Việt Nam đúng như lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, an toàn tính mạng cho Nhân dân”; đúng như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.”
Đó cũng là “thông điệp” minh chứng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam, đại bộ phận Nhân dân Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo vệ “Quyền được sống”, thứ quyền tối thượng của nhân quyền, điều mà lâu nay một số kẻ đã dã tâm xuyên tạc.
Không phủ nhận, đã có những “con sâu” làm điều không tử tế; đã có một số người nhẫn tâm xúc phạm tinh thần đại nghĩa và nhân văn của người Việt Nam khi chia sẻ trên mạng bài viết tiêu đề: “Người Việt Nam gian và tham” của Trần Thành Nam. Hay trong Clip được đăng tải trên mạng youtube hôm 11/4/2020 về cuộc khẩu chiến của luật sư Hoàng Duy Hùng ở thành phố Houston - Mỹ (người mà trước năm 1999, chống cộng rất cực đoan, từng thành lập ra cái gọi là “Phong trào Quốc dân Việt Nam hành động”) với Đỗ Xuân Sơn, từng là sĩ quan tâm lý chiến ngụy quân Sài Gòn. Trong nội dung Clip dài 48’27’’, luật sư Hoàng Duy Hùng đã thẳng thắn phản bác những lời xuyên tạc, vô căn cứ của Đỗ Xuân Sơn khi y nói rằng Việt Nam đã nhanh tay bán cho Mỹ kiện hàng 450 ngàn bộ đồ bảo hộ y tế chứ không phải hỗ trợ, và rằng: “Việt Nam lưỡng lợi, bán mau lời nhanh, bỏ đôla xanh mau vô túi và sớm chia nhau cho đào nhí”. Trước luận điệu xuyên tạc đó, luật sư Hoàng Duy Hùng nói thẳng Đỗ Xuân Sơn đã bịa chuyện, vu khống, chà đạp lên nhân cách người khác (Việt Nam).
Trong Clip, Đỗ Xuân Sơn nói rằng ông không thể cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam. Luật sư Hoàng Duy Hùng phản bác: “Ông nên biết rằng những công nhân Việt Nam ngày đêm may 450 ngàn bộ đồ bảo hộ y tế cho Mỹ là do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo; Chính phủ Việt Nam, công nhân Việt Nam, Nhân dân Việt Nam là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng thì làm sao có kịp 450 ngàn bộ đồ bảo hộ y tế đó cho nước Mỹ”. Luật sư Hoàng Duy Hùng nhấn mạnh: “Nỗ lực của toàn dân Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid - 19 vừa rồi là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tôi tin là dân Việt Nam, họ cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam và tôi là một người con của sĩ quan của quân lực Việt Nam cộng hòa, từng chống cộng cực đoan còn hơn ông (Đỗ Xuân Sơn), tôi cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, ông làm gì tôi….”
Cám ơn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, là cung cách ứng xử lịch sự tối thiểu không thể thiếu của con người. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ các nước trên thế giới trong ngăn chặn đại dịch Covid -19 không phải để tìm kiếm “lời cám ơn” mà mục đích duy nhất là để chung tay bảo vệ “quyền được sống” của con người. Qua câu chuyện “tranh luận” của luật sư Hoàng Duy Hùng với người có tên Đỗ Xuân Sơn, thế mới tỏ: Trong cơn nguy mới rõ ai chánh, ai tà, ai tử tế!
VĂN TÒA