95 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh niên (21/6/1925), nền Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
95 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh niên (21/6/1925), nền Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Báo chí Việt Nam giữ dòng thông tin chính thống, là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Xuất phát từ cái tâm trong sáng vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của Nhân dân, báo chí hướng tới mục đích tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Báo chí là kênh thông tin hữu ích giúp Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, lấy mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm hành động.
Để làm tốt những chức năng, nhiệm vụ cao qúy trên, Báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát huy một số vấn đề có tính nguyên tắc bất biến. Trước hết, phải tuân thủ tính chân thật và khách quan là đặc trưng, đặc điểm, là yêu cầu tồn tại và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò quản lý xã hội thông qua hoạt động phản biện và giám sát xã hội. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: Sự thật là sức mạnh của báo chí. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng yêu cầu báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. Do đó, đòi hỏi người làm báo phải có phương hướng và năng lực tư duy để phát hiện đề tài, thể hiện tác phẩm một cách chân thực và phân tích, lý giải, chỉ ra đúng quy luật vận động, phát triển của sự việc, vấn đề cuộc sống đặt ra. Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật là sự cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí...
Chủ tịch Hồ Chí Minh - bậc thầy của báo chí nước nhà từng dạy: “Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (Trích Hồ Chí Minh toàn tập - NXBCTQG, Hn, 2009, T10, tr 615-616)... Tiếp theo, thực hiện lời Bác dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, báo chí phải nêu cao tính chiến đấu. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của báo chí Việt Nam. Tính chiến đấu thể hiện trên cả hai mặt: biểu dương và phê bình trên nguyên tắc tối kỵ tô hồng, bôi đen. Báo chí ủng hộ công cuộc đổi mới của Đảng, cải cách hành chính; tuyên truyền sâu rộng và cổ vũ, tạo sự lan tỏa điển hình, nhân tố mới trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); ủng hộ lối sống có lý tưởng lành mạnh, sáng tạo, năng động, có ý thức xây dựng tập thể và đất nước... Mặt khác, đấu tranh không khoan nhượng chống biểu hiện xa rời lý tưởng của Đảng, tư tưởng quan liêu, tham nhũng, xa dân và các tệ nạn xã hội...
Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động đang rắp tâm đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, không chỉ phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn phủ nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh. Với mọi thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, chúng mưu toan tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc tư tưởng, lý luận chủ yếu, quyết định là chủ nghĩa Mác - Lênin; hòng làm suy yếu, tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận điệu sai trái đó nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Từ đó, mưu toan làm tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm làm suy yếu và đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để đấu tranh với những luận điểm sai trái, thù địch trên, báo chí Việt Nam tiếp tục làm sáng tỏ luận điểm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta…”. (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - năm 2001, lần thứ XI - năm 2011).
Tuân thủ tính chân thật, khách quan và nêu cao tính chiến đấu để báo chí nước nhà hoàn thành xuất sắc chức năng giám sát và phản biện xã hội. Qua đó, thực hiện tốt hơn tôn chỉ, mục đích như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động...”. Báo chí phải tích cực góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
LAN HỒ