Hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

05:06, 01/06/2020

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm qua, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này, nhằm thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm qua, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này, nhằm thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Các Đại biểu Quốc hội Đoàn Lâm Đồng và các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng tham dự kỳ họp thứ 9 theo hình thức trực tuyến
Các Đại biểu Quốc hội Đoàn Lâm Đồng và các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng tham dự kỳ họp thứ 9 theo hình thức trực tuyến
 
Kỳ họp thứ 9 tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20 - 29/5/2020. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 - 18/6/2020. Hơn 200 đại biểu ở Trung ương họp tập trung tại Nhà Quốc hội, họp tại phòng họp Diên Hồng và gần 300 đại biểu khác tham gia các phiên họp qua truyền hình trực tuyến tại trụ sở Đoàn ĐBQH từ 63 tỉnh, thành cả nước.
 
Tham dự đầy đủ trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp trực tuyến từ 20 - 29/5, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tuân thủ nghiêm các quy định. Tham dự chủ trì phía đầu cầu Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng; ĐBQH K’Nhiễu; đại diện HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan. 
 
Theo tinh thần chung mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc: “Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng QH, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH đã chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm với Nhân dân. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của QH, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật và cũng để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội, vì lợi ích Nhân dân.Trong suốt thời gian diễn ra họp trực tuyến, các ĐBQH đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này”. 
 
Trên tinh thần ấy, cùng với đóng góp chung của các ĐBQH trong cả nước, Đoàn Lâm Đồng đã thực hiện nghiêm túc, tập trung nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng các dự án luật, các dự thảo mà Quốc hội đề ra. 
 
Không khí thảo luận, đóng góp vẫn được truyền đi với tinh thần không khác gì họp tập trung tại các kỳ họp Quốc hội trước đây. 
 
Chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. 
 
Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. 
 
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội. Quốc hội cũng lấy ý kiến đại biểu để xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. 
 
Cảm nhận chung của đa số các đại biểu tham dự họp trực tuyến đều đạt kết quả tốt, có đại biểu cho rằng thậm chí còn thuận lợi hơn so với họp tập trung. 
 
Kỳ họp lần này đã đổi mới hơn, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin cho ĐBQH. Các đại biểu được tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng theo quy định về lĩnh vực đó. Việc thăm dò ý kiến của ĐBQH cũng được thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử. Với hoạt động triển khai phần mềm mới hỗ trợ, các ĐBQH không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên smartphone hoặc thiết bị di động khác, qua đó góp phần thành công của kỳ họp.
 
Được biết, các chương trình nghị sự diễn ra thông suốt, đường truyền đạt chất lượng, yêu cầu đề ra.
 
Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến góp ý: “Về cơ bản, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý đối với Dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn một số ý kiến góp ý đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm xem xét: Về tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì luật này sửa đổi, bổ sung hơn 60 điều và cấu trúc của các điều khoản trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều so với cấu trúc của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã ban hành thì rất khó nhận diện, tiếp thu, chỉnh sửa, áp dụng khi thực hiện. Do đó, đề nghị đổi tên thành Luật Xây dựng (sửa đổi) thay bố cục cấu trúc mới để dễ nhận diện, áp dụng và thực hiện. Về thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, Ban soạn thảo đã sử dụng khái niệm mang tính định tính như “có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng” là khó xác định như thế nào là quy mô lớn và như thế nào là có ảnh hưởng lớn. Do đó, đề nghị cần lượng hóa thành quy định cụ thể trong luật để có cơ sở thực hiện”.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: Trong luật có quy định về việc “cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, thẩm duyệt công trình xây dựng và thành hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng”. Tuy nhiên, chưa quy định “trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý, thẩm duyệt và hội đồng thẩm định”. Đề nghị bổ sung quy định điều trên trong luật này, nhằm nâng trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân để tăng hiệu quả và chất lượng công việc. Hiện nay, một số mô hình công trình trong đô thị trên thế giới đang hình thành, phát triển và kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất một số mô hình như là “mô hình đô thị sinh thái; mô hình làng đô thị xanh; mô hình công trình sinh thái; mô hình công trình kinh doanh sản xuất - dịch vụ - du lịch và mô hình nhà ở gắn liền với đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đô thị”. Các mô hình này hiện đang được áp dụng tạo ra nhiều không gian xanh trong đô thị, môi trường thân thiện, gần gũi thiên nhiên hơn, tác động trực tiếp hàng ngày đến không gian sống của con người trong đô thị tốt hơn như là ảnh hưởng đến môi trường không khí, sức khỏe, tâm sinh lý, môi trường làm việc, an ninh… Tuy nhiên, hiện nay các mô hình trên chưa có quy định trong các luật hiện hành. Do đó, qua đợt điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung của luật này, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, nghiên cứu bổ sung các quy định về các mô hình nêu trên để nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng tốt hơn; đồng thời, bắt kịp với xu hướng phát triển mô hình sinh thái của thế giới và góp phần cải thiện biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Góp ý Dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 8 và trước kỳ họp thứ 9 này, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng có đề xuất phương án bầu hòa giải viên tại tòa án như quy định về thủ tục bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm (Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân) nhưng chưa được xem xét, tiếp thu giải trình. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định cơ chế bầu hòa giải viên theo hướng Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đề xuất nhu cầu về số lượng hòa giải viên đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật, để HĐND có thẩm quyền theo luật định bầu hòa giải viên tại tòa án. Nhiệm kỳ của hòa giải viên theo nhiệm kỳ của HĐND bầu ra. Chánh án Tòa án Nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đề nghị HĐND miễn nhiệm, bãi nhiệm hòa giải viên. 
 
Tham gia thảo luận góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh: Số liệu và thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời hoặc chưa phát hiện, và nhất là những xâm hại gây tổn thương đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Cụ thể: Từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, có 8.709 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, ngoài con số nêu trên thì báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra còn 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, 156.932 trẻ em bị bỏ rơi, vậy trong số đó chắc chắn còn những đối tượng bị xâm hại có thể về vật chất hoặc tinh thần nhưng chưa được phát hiện. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phòng, chống xâm hại trẻ em đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường với các cơ quan, đoàn thể về quản lý và tuyên truyền, giáo dục trẻ em; sự quan tâm của Nhà nước để đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động mang tính thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. 
 
Cùng ý kiến thảo luận, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có điều tra khoa học, bài bản thống kê số liệu trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… và các hình thức gây tổn hại khác theo Luật Trẻ em, để dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong tương lai cũng như phục vụ công tác xây dựng chính sách trong giai đoạn tới. Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ khẩn trương lồng ghép kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống xâm hại trẻ em như là một hợp phần quan trọng của chương trình quốc gia. Trong đó, đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại cùng các giải pháp theo lộ trình và có phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tổ chức hữu quan.
 
Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích có cơ sở khoa học của các ĐBQH, trong đó có Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; góp phần cùng Quốc hội hoàn thành các chương trình nghị sự quan trọng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
 
NGUYỆT THU