Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào ngày 2-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào ngày 2-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phương châm của chúng ta là không lùi bước trong khó khăn, cần tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu "kép" về phòng chống dịch thành công; khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội phải quyết liệt hơn trên tinh thần đạt mục tiêu cao nhất.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ |
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đã 48 ngày qua, chúng ta không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng; phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện, trong đó có những bệnh nhân từng bị nhiễm rất nặng. Gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Ngành hàng không, dịch vụ khách sạn, khu du lịch nhộn nhịp trở lại. Cùng với đó, chúng ta giải quyết cơ bản vấn đề an sinh xã hội. Chính vì thế, niềm tin của người dân và doanh nghiệp (DN) vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao; cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá, kinh tế thế giới, dịch bệnh khu vực và toàn cầu diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh và khá mạnh. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2020. Một số ngành công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các chỉ tiêu phát triển trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết để đối thoại, kiểm tra, thúc đẩy phát triển.
"Chúng ta không được chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Cần tăng cường kiểm soát tốt biên giới, đường mòn, lối mở", Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là ngành nông nghiệp được mùa lớn trong khi thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi. Chúng ta ghi nhận tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng; thu hút vốn đầu tư FDI dần được cải thiện; tỷ giá tiếp tục giảm. Chính phủ chỉ đạo tích cực DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là vừa qua đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP, được cộng đồng DN đánh giá rất cao. Hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. An sinh xã hội được bảo đảm…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu một số rủi ro, thách thức, tồn tại ảnh hưởng quá trình phát triển KTXH, đó là dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường trên thế giới; căng thẳng thương mại giữa các cường quốc gia tăng; nông nghiệp trong nước gặp khó khăn do thời tiết; tăng trưởng đạt mức khá nhưng chưa đạt yêu cầu; áp lực lạm phát cần phải cảnh giác; xuất siêu nhưng nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, kể cả nhập khẩu tư liệu sản xuất cũng giảm. Bội chi ngân sách nhà nước ngày càng gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm. Số lượng DN gặp khó khăn vẫn còn nhiều...
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tiếp tục đề cao cảnh giác dịch bệnh, nhất là ở các thành phố lớn, khu dân cư tập trung. Do đó, cơ hội của Việt Nam nhiều hơn các nước. Phương châm của chúng ta là không lùi bước trong khó khăn, kiên quyết có giải pháp cụ thể đưa nền kinh tế vượt lên. Cần tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép về phòng chống dịch thành công; khôi phục hoạt động KTXH phải quyết liệt hơn trên tinh thần đạt mục tiêu cao nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt thị trường giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn; tập trung đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang chỉ đạo như gói chính sách tiền tệ, tín dụng; gói hỗ trợ tài khóa; đặc biệt thúc đẩy gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Chúng ta cần có nghị quyết tiếp tục yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các quy trình, thủ tục triển khai hỗ trợ, có đầu mối chịu trách nhiệm, giải quyết công khai, rõ ràng. Thủ tướng yêu cầu Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử các địa phương công khai việc này để nhân dân giám sát; có thể tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc này.
Các cấp các ngành phải bám vào Nghị quyết 84 của Chính phủ mới được ban hành để triển khai, tiếp tục thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương bắt tay thực hiện đồng bộ, có chương trình hành động để triển khai nghị quyết này. Coi trọng việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, nhất là các dự án giao thông.
Tiếp tục sắp xếp lại DN nhà nước, phát triển kinh tế HTX, thúc đẩy kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa cả tiêu dùng cá nhân và thương mại dịch vụ. Các ngành hàng cần phải có chương trình cụ thể kích cầu nội địa. Quan tâm thúc đẩy vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, người nghèo. Phát huy thế mạnh, các trụ cột, đầu tàu kinh tế tăng trưởng để dẫn dắt, làm gương trong phát triển. Các tỉnh, thành phố đều phải bảo đảm mức tăng trưởng tốt.
Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Thủ tướng cũng đề nghị ngành khoa học - công nghệ hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các chủng loại vật liệu mới phục vụ sản xuất, thay thế hàng nhập khẩu; coi trọng vấn đề sở hữu trí tuệ; coi trọng khởi nghiệp mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào yếu tố chất lượng, sáng tạo bao trùm và bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để hạn chế nhập khẩu, tăng tính chủ động, tạo việc làm, tăng khả năng kết nối giữa các khối DN. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn nữa kết hợp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, HTX kiểu mới. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chú ý vấn đề gần đây người nước ngoài “lách luật” để mua những lô đất ở những vị trí nhạy cảm để đề xuất hình thức quản lý, không để hậu quả xấu xảy ra. Thủ tướng yêu cầu không được để xảy ra bất ngờ, bị động trước tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp; tăng cường phối hợp tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
(Theo nhandan.com.vn)