Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, là việc làm thường xuyên trong cả hệ thống chính trị huyện Lâm Hà...
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, là việc làm thường xuyên trong cả hệ thống chính trị huyện Lâm Hà. Cũng chừng ấy thời gian, những con người với lựa chọn nội dung “học tập” cụ thể, phù hợp đã tạo nên những việc “làm theo” thiết thực, góp phần tạo nên những thanh âm tốt đẹp trong cuộc sống.
Chỉ thị 05 thấm sâu vào đời sống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương khởi sắc |
Thực hiện Chỉ thị 05 là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà toàn khóa và hàng năm. Bởi vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng đưa nội dung quan trọng này vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII), các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Để việc thực hiện Chỉ thị 05 thực sự có dấu ấn, Lâm Hà đã xác định rõ nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nội dung được lựa chọn để xây dựng các khâu đột phá đầu tiên chính là vấn đề con người. Để tạo chuyển biến, Huyện ủy Lâm Hà đã chỉ đạo việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các TCCS đảng; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tổ chức lại đội ngũ cán bộ, tinh gọn bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân... Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà cũng quyết liệt trong việc chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cao nhất cho Nhân dân và doanh nghiệp khi làm việc tại các cơ quan công quyền. Đồng thời, những vấn đề nóng, được công chúng quan tâm, cũng là những vấn đề được Lâm Hà tập trung chỉ đạo để có những tín hiệu tích cực. Đơn cử như vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp, những đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Để việc thực hiện Chỉ thị 05 thực sự có hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát cũng được đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm của cấp ủy. Nhờ vậy, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém và định hướng, giúp cơ sở triển khai thực hiện nội dung này có hiệu quả.
Nhờ lựa chọn khâu đột phá và những giải pháp quyết liệt, tại Lâm Hà việc học tập và làm theo Bác đã thực sự thấm sâu và lan tỏa trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Điều này được minh chứng rõ khi đã có những con người xuất sắc, những mô hình tiêu biểu cũng đã được hình thành từ đây. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, đã có 51 tập thể, cá nhân tiêu biểu được tuyên dương. Điển hình như ông K’Brối, thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà điển hình cho hộ nông dân sản xuất giỏi và hiến hàng ngàn m
2 đất làm đường nông thôn. Bà Trần Thị Thảo, thôn Phượng Lâm, xã Đan Phượng làm kinh tế giỏi, tạo công ăn, việc làm cho bà con địa phương. Ông Nguyễn Đăng Bằng hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, mở rộng xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản địa phương. Ông Trần Lê Lợi hiến 2.000 m
2 đất xây trường học, ông Ha Poh tích cực vận động bà con bảo vệ rừng. Hay như Linh mục Nguyễn Hưng Lợi; sư cô Thích nữ Hạnh An tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, tăng ni, phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Bên cạnh đó, các mô hình cũng đã hình thành và phát triển ngay tại cơ sở. Đó không chỉ là những mô hình trong các cơ quan, đơn vị mà điều đáng nói là những mô hình được tạo ra ngay trong khu dân cư và được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Tiêu biểu như: mô hình thu gom rác thải của Hội Cựu chiến binh xã Đông Thanh; mô hình sinh hoạt dưới cờ bằng hình thức sân khấu hóa sáng thứ hai hàng tuần của các trường THPT; mô hình “Camera an ninh” ở các thôn, tổ dân phố của xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, thị trấn Đinh Văn… Đến nay, đã xây dựng được 305 mô hình, điển hình trên các lĩnh vực. Tất cả những con người, những mô hình ấy đều đã được tuyên dương. Đó không chỉ là niềm động viên khích lệ để các cá nhân thêm cô gắng, để các mô hình thêm hoàn thiện và đóng góp nhiều hơn nữa, mà thông qua đó, đã tác động tích cực, tạo hiệu ứng, sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Và thực tế cho thấy, những mô hình hay, những cá nhân ưu tú trong thực hiện Chỉ thị 05 ấy đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Điều đó được chứng minh khi kinh tế - xã hội của Lâm Hà những năm qua tiếp tục phát triển ổn định. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo chung đã giảm xuống còn 2,28%. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, 2/2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố tăng cường; các vấn đề, bức xúc nổi cộm ở địa phương cơ bản được giải quyết kịp thời.
4 năm là chặng đường dài đủ để Lâm Hà bắt đầu có những trái ngọt trong thực hiện Chỉ thị 05. Nhưng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ kéo dài 4 năm, 5 năm hay 10 năm, mà đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Việc thực hiện tốt Chỉ thị này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để từ đó tiếp tục phát hiện, xây dựng và nhân rộng hơn nữa các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc nhất là trong đội ngũ cán bộ để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội. Bởi chỉ có sự đồng thuận của Nhân dân mới là nền tảng của sự phát triển bền vững.
HOÀNG MY