Đối thoại và ghi nhận

12:07, 13/07/2020

(LĐ online) - Trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), tôi có dịp tiệm cận, làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và thật sự phấn khởi trước những kết quả nỗ lực của Đà Lạt trong 5 năm qua...

(LĐ online) - Trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), tôi có dịp tiệm cận, làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và thật sự phấn khởi trước những kết quả nỗ lực của Đà Lạt trong 5 năm qua. Xin điểm vài nhận định, con số tiêu biểu, khát quát: Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh; thu ngân sách nhà nước do thành phố quản lý giai đoạn 2016-2020 đạt 6.471 tỷ đồng, tăng 11,6% (671 tỷ đồng) so với kế hoạch, tăng bình quân hàng năm 11,3 %. Năm 2018, đã hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở 4 xã, đang tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu tại xã Xuân Thọ và xã NTM nâng cao ở ba xã Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung.
 
Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San phát biểu tại Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: PV
Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San phát biểu tại Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: PV
Làm báo có điều kiện thâm nhập thực tế, đối chứng, so sánh giữa các vùng miền; lại là công dân 43 năm công tác ở thành phố cao nguyên này, tôi tự hào bởi hòa nhịp với công cuộc đổi mới của Lâm Đồng, của đất nước; Đà Lạt đã năng động, sáng tạo đột phá phát triển kinh tế để đạt thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của tỉnh và cả nước. Khi biết huyệnĐạ Huoai bình quân thu nhập đầu người mới đạt 43,5 triệu đồng/năm; thành phố Bảo Lộc hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 0,66%, tỷ lệ hộ cận nghèo 1,79%... thì ta mới nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc Đà Lạt đặt ra quyết tâm 5 năm tới duy trì kết quả giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo... Tuy nhiên để thể hiện sinh động những gam màu tươi sáng bức tranh bứt phá chuyển mình vì mục tiêu "dân giàu, thành phố mạnh", do vậy, tôi chủ động hẹn và được Chủ tịch UBND thành phố Tôn Thiện San - Tỉnh ủy viên, thu xếp và có một cuộc trao đổi cởi mở. 
 
- Cũng có một số ý kiến cư dân Đà Lạt, du khách cho rằng thời gian qua việc thu hút đầu tư của thành phố hình như chưa sôi động và chưa thoát ra khỏi không cảnh "Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa"?
 
- Đó là hình ảnh cảm nhận trong bản nhạc "Thành phố buồn" của nhạc sĩ Lam Phương cách nay nửa thế kỷ. - Chủ tịch thành phố tươi cười và rành rọt nhấn mạnh: - Nay mà vẫn mơ "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" thì e không đúng quy luật vận động, phát triển. Đà Lạt đã có thay đổi sôi động, tích cực trên nhiều phương diện. Chỉ tính từ 2016 –2020, thành phố đã thu hút 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 5.267 tỷ đồng. Hiện nay, có 216 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 35.432 tỷ đồng. Trong đó 107 dự án đi vào hoạt động, 68 dự án đang triển khai xây dựng, 41 dự án thực hiện thủ tục. Việc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH, góp phần chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước. Một số dự án lớn, lĩnh vực mới như sản xuất sợi len lông cừu, sản xuất giống rau, hoa áp dụng công nghệ cao... góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho thương hiệu "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành"!
 
- Những con số "biết nói"... thế nhưng e rằng kết cấu hạ tầng KT-XH thành phố vẫn như mặc manh áo chưa ngang tầm?
 
- Vâng, khát vọng luôn lớn hơn hiện thực. Không thể phủ nhận Đà Lạt đã có sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng chiều sâu hơn để chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng văn minh đô thị. Tuy còn không ít khó khăn nhưng 5 năm qua, thành phố đã đầu tư 1.334,8 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, đầu tư 110 hạng mục hệ thống giao thông khu vực trung tâm và các xã NTM, đầu tư 132 hạng mục chỉnh trang đô thị. Thành phố thực sự chủ động phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ từ các ngành của tỉnh, trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế... để huy động nguồn lực, tạo được sự bứt phá trong xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững, đảm bảo lộ trình xây dựng thành phố thông minh... Trong đầu tư phát triển, chúng tôi hết sức lưu ý vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch. Đà Lạt tập trung xây dựng, trình phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 704-QĐ/TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch sử dụng đất theo các quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Chủ động thực hiện rà soát hiện trạng và phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt và triển khai thực hiện góp phần phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư. Thời gian qua, Đà Lạt triển khai thực hiện 34 quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 5.700ha, chiếm tỷ lệ 96,61% diện tích tại 04 khu đô thị thuộc khu vực trung tâm thành phố theo Quyết định 704/QĐ-TTg. Tổ chức triển khai và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch các trung tâm xã và xây dựng quy chế quản lý theo quy hoạch cho 04 xã trực thuộc... Đồng thời, tập trung thực hiện quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị, trật tự an toàn giao thông; tăng cường quản lý đầu tư công của các dự án theo đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định... 
 
Điều này minh chứng là 5 năm qua, các khâu đột phá trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH và nâng cao chất lượng quản lý theo quy hoạch được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các công trình, dự án trọng điểm về xây dựng trung tâm giao dịch hoa; quy hoạch, chỉnh trang quanh hồ Xuân Hương; quy hoạch, chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình; xây dựng khu dân cư Phạm Hồng Thái; phối hợp xây dựng hệ thống giao thông đường vành đai thành phố và xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 20 đoạn qua Đà Lạt được tập trung tổ chức thực hiện, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh... Bên cạnh đó, việc chỉnh trang đô thị, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, chiếu sáng, cây xanh đô thị, xử lý rác thải được quan tâm đầu tư. Chú trọng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái pháp luật... 
 
- Chủ tịch vừa nói đến môi trường - một vấn đề nhạy cảm đang được dư luận xã hội quan tâm, vậy Đà Lạt đã làm gì để tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển rừng giữ mãi hình ảnh "thành phố trong rừng, rừng trong phố"?
 
- Đà Lạt đã chú trọng công tác quản lý nhà nước về đất đai đạt nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”.
 
Lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản được thành phố thực hiện quản lý đúng quy định, sử dụng tiết kiệm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý vi phạm; hạn chế tình trạng khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu đến môi trường sinh thái. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường; xây dựng vàtriển khai mô hình thu gom, xử lýchất thải trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thựcvật, phân bón hóa họctrong sản xuất nông nghiệp. Với nỗ lực đó, Đà Lạt đã nhận được các giải thưởng quốc gia, quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và tiếp tục triển khai kế hoạch hành động phát triển thành phố Đà Lạt xanh và bền vững.
 
Trong sự phát triển luôn bộc lộ những mặt trái, bất cập nhưng vấn đề đặt ra là làm gì để giảm thiểu mặt tiêu cực. Chương trình giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 15.080ha cho 397 hộ, 2 tổ chức, 10 doanh nghiệp đã góp phần nâng độ che phủ từ 48,3% lên 51%. Hoạt động tuyên truyền,vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và phòng chống chữa cháy rừng đã làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng; kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không để phát sinh điểm nóng. 5 năm qua, Đà Lạt phát hiện xử lý kịp thời các vụ vi phạm gây thiệt hại 10,68ha rừng; so với nhiệm kỳ trước giảm 31,86ha (tỷ lệ 75%).
 
- Tuy đạt những kết quả tích cực... nhưng còn điều gì trăn trở đối với cương vị Chủ tịch thành phố?
 
Thoáng trầm tư rồi ông Tôn Thiện San giãi bày: -Tôi cho rằng kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế có mặt chưa thật sự bền vững; hiệu quả và sức cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Một số dự án đầu tư du lịch triển khai không đảm bảo tiến độ theo quy định. Kinh tế nông nghiệp chưa thu hút được các nhà đầu tư thật sự có tiềm lực, thương hiệu nông sản chưa phát huy hết giá trị. Công nghiệp chế biến chưa đáp ứng kịp với xu thế phát triển và hội nhập. Huy động nguồn lực đầu tư, nhân lực chất lượng cao cũng như phát huy cao nhất tiềm lực, sức mạnh, sự đóng góp của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân phục vụ cho phát triển KT-XH còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch còn nhiều hạn chế; hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông đô thị có chiều hướng trở nên quá tải, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị và của ngành du lịch. Chúng ta vẫn thiếu quỹ đất dành cho giao thông, thiếu hệ thống đường vành đai khép kín, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị tại một số địa phương còn nhiều yếu kém. Thu gom, xử lý rác thải còn bất cập. Thực hiện quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường tại một số địa bàn chưa thật sự hiệu quả. Một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ và đề cao trách nhiệm về bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường. 
 
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của Đà Lạt
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của Đà Lạt
 
Đảng bộ Thành phố bước vào nhiệm kỳ mới trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ thuận lợi và ở Lâm Đồng đã có sự đầu tư tập trung kết cấu hạ tầng tạo động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ về KT-XH, thúc đẩy sự bứt phá của các ngành kinh tế động lực là du lịch, dịch vụ, nông nghiệp..., tạo đà phát triển toàn diện, bền vững cho các địa phương trong tỉnh. Trong xu thế phát triển và hội nhập, Đà Lạt cũng chịu không ít tác động từ tình hình kinh tế - chính trị diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới, khu vực. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với những hạn chế, khó khăn về nguồn lực xây dựng hạ tầng KT-XH, về thu hút vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao, những vấn đề phát sinh về môi trường, quản lý chất lượng nguồn nước và một số vấn đề khác... Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đà Lạt phải làm gì để vượt qua những thách thức? Băn khoăn của tôi được Chủ tịch thành phố giải đáp:
 
- Trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, phải chú trọng những nhiệm vụ sau: 
 
Thứ nhất, tập trung tăng tốc lĩnh vực du lịch, dịch vụ chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thành phố Đà Lạtlàtrung tâm hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tếvà trung tâm giáo dục- đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, đa quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch chất lượng cao của tỉnh và khu vực. 
 
Thứ hai, phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; mở rộng công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sức cạnh tranh và giá trị thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Tiếp theo, phải chú trọng thực hiện lộ trình xây dựng thành phố thông minh, đô thị Di sản, đô thị tăng trưởng xanh cùng vớiđầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị như phối hợp xây dựng đường vành đai thành phố, bãi đậu xe đô thị, dự án chống ùn tắc giao thông, trung tâm giao dịch hoa, làng đô thị xanh, chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình... và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường quản lý đô thị, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông và đảm bảo cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường... Thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu: tỷ lệ 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, y tế: 99%; rác thải nông nghiệp: 85%; độ che phủ rừng đạt 53%.
 
- Để đạt những mục tiêu cơ bản trên, theo ông phải tập trung cho những nhiệm vụ kinh tế cơ bản nào? 
 
- Đà Lạt phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới của KHCN; phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương; tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư về phát triển kinh tế số. Tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, nông nghiệpcông nghệ cao và công nghiệp chế biến; tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Duy trì, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
 
 Trong phát triển nông, lâm nghiệp phải tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm diện tích nhà kính không đạt chuẩn và ở các khu vực ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.Ưu tiên phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao.Tiếp tục xây dựng và khai thác có hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm giao dịch hoa. Thực hiện tốt Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đẩy mạnh phát triển các làng hoa và nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến xuất khẩu; triển khai các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực, giảm chi phí trung gian. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông sản gắn với thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ, chú trọng hướng đến xuất khẩu.
 
Tiếp tục thực hiện xây dựng quy hoạch thành phố theo hướng phát triển trung tâm du lịch, văn minh, hiện đại. Rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt để điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh kịp thời bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố và quy hoạch KT-XH của vùng, của tỉnh; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch. Tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thịtrong các tầng lớp Nhân dân. Ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, lấn chiếm đất rừng, xâm hại kết cấu hạ tầng đô thị và cảnh quan môi trường.
 
Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ; phối hợp thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư xây dựng khu trung tâm thành phố hiện đại. Quan tâm thực hiện chiến lược mở rộng không gian đô thị, phát triển vùng ven, xây dựng làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống ùn tắc giao thông; hoàn thiện hệ thống đường vành đai và các trục chính đô thị. Nâng cấp,mở rộng hệ thống bến bãi đậu xe và vận tải hành khách công cộng. Thời gian tới, Đà Lạt sẽ đẩy mạnh tiến độđầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm: Nâng cấp hệ thống hạ tầng quanh hồ Xuân Hương; xây dựng tuyến giao thông nối từ đường Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, xây dựng kè chắn hồ lắng số 1 và suối Cam Ly; Mở rộng công viên Yersin (giai đoạn 3); xây dựng hạ tầng thành phố thông minh; xây dựng công viên Trần Quốc Toản... 
 
- Chủ tịch vừa đề cập đến xây dựng thành phố thông minh, vậy nội dung cơ bản của khái niệm này bao gồm những lĩnh vực gì? Nhân tiện ông cho biết thêm về quan điểm hội nhập quốc tế của thành phố? 
 
- Đối với việc xây dựng thành phố thông minh phải thực hiện lộ trình trên các lĩnh vực trọng yếu: quản trị (chính quyền điện tử); đời sống (quy hoạch đô thị và quản lý đất đai thông minh, giao thông thông minh, thành phố an toàn, giáo dục thông minh, y tế thông minh); môi trường (quản lý tài nguyên và môi trường thông minh); kinh tế (du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh). Thực hiện tốt những nội dung đó sẽ là điều kiện cơ bản để nâng Đà Lạt lên tầm thành phố văn minh, hiện đại. 
 
Để hội nhập quốc tế sâu, Đà Lạt sẽchú trọng công tác thông tin tuyên truyền về những thuận lợi, thách thức trong hội nhập quốc tế. Đổi mới hình thức và nội dung công tác ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại, nâng cao chất lượng quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, con người, sản phẩm, thế mạnh của thành phố, từng bước đưa Đà Lạt trở thành trung tâm hội thảo, hội nghị quốc tế.Tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ... với các tổ chức, địa phương của các nước phát triển (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan...); tranh thủ tối đa và đẩy mạnh thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện hình thành những cơ sở sản xuất kinh doanh, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến... Bên cạnh đó phải thực sự khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Phối hợp thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chuẩn bị tốt lộ trình cho các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Lạt cùng với doanh nghiệp cả nước tham gia thực hiện các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA); tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là thị trường xuất khẩu, thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa. 
 
- Cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt! 
 
NGUYỄN THANH (thực hiện)