(LĐ online) - Sáng 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020; triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
(LĐ online) - Sáng 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020; triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
|
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND tỉnh; các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng; đại diện thường trực huyện, thành ủy và lãnh đạo UBND huyện, thành phố: Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm; lãnh đạo Công ty Điện lực Lâm Đồng và các doanh nghiệp năng lượng: Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty Thủy điện Đại Ninh, Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam, Công ty Thủy điện Đồng Nai, Công ty Cổ phần Thủy điện miền Nam chi nhánh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần VRG Bảo Lộc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu bật mục đích của Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020, triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW đó là: Xác định rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể được nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW; kiến nghị đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho các điển hình năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết; tiếp tục xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả; cơ chế chính sách đột phá trong chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo; cơ chế tạo thuận lợi cho huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia; vấn đề công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng; kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý các vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo các quan điểm, chủ trương của Đảng như tại Nghị quyết 55-NQ/TW; trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn mang tính chiến lược để tạo được cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để hình thành phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển, chú trọng một số địa phương hiện đang còn nhiều khó khăn; quan tâm đến những vấn đề vướng mắc chủ yếu về chính sách, pháp luật hiện nay tại các địa phương để đề xuất, kiến nghị xử lý toàn diện, triệt để; tìm hiểu các doanh nghiệp quốc tế từ mô hình, cơ chế, chính sách và các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững; đánh giá, làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, mối quan hệ hữu cơ tác động đến các đối tượng bị tác động bởi chính sách từ nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội -nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước để từ đó đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách.
Sau lễ khai mạc hội nghị, Phiên toàn thể có 4 tham luận chính trong sáng nay và 4 hội thảo chuyên đề vào buổi chiều nay. Từ các hoạt động của Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề trọng tâm cần xử lý sớm để góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết 55-NQ/TW đi vào cuộc sống.
|
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trình bày tham luận trực tuyến tại phiên khai mạc Diễn đàn năng lượng Việt Nam năm 2020 |
AN NHIÊN