UBND tỉnh vừa có Văn bản số 6021 để triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
UBND tỉnh vừa có Văn bản số 6021 để triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13 cũng như các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm túc, triệt để chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp để quản lý, bảo vệ rừng với mục tiêu là không để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tăng tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của toàn xã hội; tập trung trồng rừng, khôi phục rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng. Theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư đối với các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, chấm dứt các dự án không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung dự án được duyệt để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và không bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm; tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng, chủ dự án đầu tư tăng cường hoạt động kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ trái luật, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương, đơn vị chủ rừng và UBND cấp xã thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp. Tăng cường công tác quản lý để ổn định dân di cư tự do, nhất là ở các huyện Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm, xây dựng phương án ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chủ động trực tiếp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật phức tạp, nổi cộm. Tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để tập trung trồng lại rừng trong mùa mưa 2020 và trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp.
Yêu cầu các đơn vị chủ rừng tiếp tục chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng; nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cán bộ phụ trách các trạm, tiểu khu rừng và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng để chủ động tuần tra, kiểm tra tại rừng, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra vi phạm để hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp đến diện tích được giao quản lý, bảo vệ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp…
UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
LAN HỒ