(LĐ online) - Chiều 21/7, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Tọa đàm hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương - thực trạng và giải pháp...
(LĐ online) - Chiều 21/7, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Tọa đàm hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương - thực trạng và giải pháp. Chương trình dưới sự chủ trì của đồng chí Tạ Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, đồng chí
Lê Thị Xuân Liên -
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, các tổ chức thành viên của MTTQ, các huyện, thành phố, một số xã, thị trấn tiêu biểu.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam các cấp được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. MTTQ các cấp tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh địa phương.
Tại Lâm Đồng đã triển khai với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, đặt hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan, giao ban định kỳ giữa thường trực cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, đoàn thể, đối thoại định kỳ, chuyên đề, tiếp xúc cử tri... qua đó, tập hợp nhiều ý kiến tham gia góp ý vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, chương trình dự án, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi ích của người dân.
Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thời gian qua đã tham gia góp ý 1.500 các dự thảo luật, nghị quyết của HĐND, đề án, kế hoạch của UBND cùng cấp, dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp…thông qua đó, tổng hợp được nhiều ý kiến có giá trị, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền có định hướng chỉ đạo, điều hành phù hợp thực tiễn và đời sống hơn.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nêu lên những mặt được và hạn chế của công tác giám sát, phản biện. Vẫn còn những bất cập về công tác nhân sự, cán bộ Mặt trận chưa đáp ứng yêu cầu do năng lực hạn chế, khó khăn về kinh phí, phụ cấp cho cán bộ cấp phó khiến không thu hút, không khích lệ sự nhiệt tình trong công việc được giao.
Các đại biểu kiến nghị Trung ương cần quan tâm điều chỉnh bổ sung một số quy định chưa phù hợp như “Chỉ phản biện khi cơ quan đó yêu cầu…” là chưa sát thực tế, vì thực tiễn hầu hết các cơ quan MTTQ đều phát huy tính chủ động, lựa chọn nội dung, vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm để giám sát và phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, có lợi cho dân. Trung ương cũng cần quan tâm, có định hướng cụ thể hơn về nội dung phản biện góp ý, cần có cơ chế rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và đoàn thể phát huy vai trò tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền. Tại cơ sở, vị trí chức danh Trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch MTTQ đôi khi còn hạn chế và lúng túng khi xử lý công việc. Cần lựa chọn cán bộ có năng lực, có đạo đức và trách nhiệm cấp huyện, thành để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Mặt trận.
NGUYỆT THU