(LĐ online) - Những năm qua, các thế lực thù địch đã thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" đối với Việt Nam bằng các phương pháp, thủ đoạn khác nhau, trong đó, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực mà chúng thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta...
(LĐ online) - Những năm qua, các thế lực thù địch đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam bằng các phương pháp, thủ đoạn khác nhau, trong đó, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực mà chúng thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Đây là vấn đề nhạy cảm cần phải tăng cường công tác đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực này.
Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển VHNT theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhờ vậy, VHNT của nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội… Bên cạnh mở cửa với thế giới, Đảng ta đã có những định hướng kịp thời về văn hóa, VHNT, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm hay, mang hơi thở hiện thực cuộc sống. Việc mở rộng không gian sáng tạo về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác đã tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận mạnh mẽ hiện thực mới, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa, VHNT, những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được bổ sung nhiều tài năng trẻ, đem đến nhiều sinh khí mới cho phong trào VHNT cả nước. Giao lưu văn học, nghệ thuật được mở rộng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thuận lợi và phức tạp đan xen đó, đã xuất hiện một số tác phẩm VHNT có nội dung lệch lạc, sai trái, phủ nhận thành quả công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phủ nhận thành tựu đổi mới, phủ nhận nền VHNT cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của VHNT, truyền bá lối sống thực dụng, đề cao tuyệt đối tự do cá nhân… Một trong những mũi nhọn chống phá hàng đầu để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là tập trung xuyên tạc, xúc phạm đến lãnh tụ Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch cho rằng sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ nương tựa vào cái bóng của “huyền thoại Hồ Chí Minh”; do đó, muốn chế độ ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xóa bỏ được “thần tượng” này. Từ hải ngoại, chúng lan truyền các thông tin, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Một số đối tượng đã nhân danh nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn…ở trong nước và nước ngoài có quan điểm sai trái, lệch lạc cũng có những ấn phẩm mang hình thức văn học phụ họa, tiếp tay cho chúng. Có thể kể đến: Bùi Tín với “Mặt Thật” (hồi ký, 1994); Lê Hữu Mục với Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký” (nghiên cứu, 1990); Dương Thu Hương với “Đỉnh cao chói lọi” (tiểu thuyết, 2009)…
Điều đáng tiếc, một số người đã từng tham gia cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, nhưng do thiếu bản lĩnh đã cho ra đời những tác phẩm thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức, gây ra những tác hại trên lĩnh vực tư tưởng. Có thể kể đến một vài tác phẩm như: Truyện ngắn “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp có đoạn viết “Một đoàn khách qua sông, có đủ hạng người. Có một em bé đến bên nhà buôn cổ vật. Em thích chiếc bình cổ, đưa tay vào tìm bên trong bình có gì không. Nhưng không tài nào rút tay ra được. Người ta bàn nhau mỗi người một sáng kiến. Có người bảo phải chặt tay đứa bé. Một người khác bảo phải đập vỡ cái bình để cứu lấy đứa bé”. Không khó để nhận ra hàm ý của người viết muốn nói rằng, tương lai muốn phát triển phải đập vỡ quá khứ, quá khứ luôn luôn kiềm chế, buộc chân sự phát triển. Tác giả nêu hình tượng Chiếc bình cổ và em bé; đập vỡ chiếc bình cổ, là đập vỡ tinh hoa của quá khứ, đập vỡ lịch sử dân tộc. Phải chăng truyện ngắn trên vừa gieo cái ác, vừa sai lầm về đạo lý dân tộc. Hay trong truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu miêu tả “Một cô gái về làm dâu, nằm ngủ trên gian giữa, chưa được ngủ đêm tân hôn thì bị bóng đè. Đó là bóng của những người đàn ông trong gia tộc từ mấy đời đến hãm hiếp nàng dâu mới”. Tác giả đã miêu tả một cách nhầy nhụa, thích thú. Đó là sự vô đạo trong văn học.
Còn có những tác phẩm phủ nhận văn học cách mạng, kháng chiến, chia rẽ đội ngũ. Hô hoán đổi gác trong thơ, cho rằng thế hệ chống Mỹ đã làm xong nhiệm vụ, phải thay gác, bàn giao cho thế hệ trẻ. Đây thực chất là cái cớ để phủ định sạch trơn văn học cách mạng, kháng chiến, phân hóa đội ngũ. Quan điểm cho rằng, thơ Việt Nam hiện đại chỉ có Thơ Mới và Thơ Trẻ, trắng trợn phủ nhận thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ. Trong sáng tác, lý luận phê bình luôn phân biệt cũ, mới, già, trẻ; cho trẻ là trên hết, là tiêu biểu cho diện mạo văn nghệ hiện nay, còn lớp già thì lập tức bị quy là bảo thủ, cũ kỹ; những lập luận như vậy là không có căn cứ, là ấu trĩ; xúc phạm đến các nhà văn, nhà thơ đã có nhiều cống hiến trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ảnh hưởng đến đạo lý và tình nghĩa những người đồng nghiệp.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị cao đẹp của VHNT cách mạng, cần có sự kết hợp hài hòa giữa “chống” và “xây”, giữa đấu tranh trực diện và đấu tranh gián tiếp trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí, xuất bản là người tổ chức, hướng dẫn, lan tỏa, là những mặt trận xung yếu chống lại các quan điểm sai trái cản bước VHNT. Trong lĩnh vực văn học, việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ và nhân dân cần tiếp tục được tiến hành với hai hình thức: nghiên cứu và quảng bá sâu rộng các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thúc đẩy hoạt động sáng tác về Hồ Chí Minh, làm sáng rõ tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Người qua tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Bảo vệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là bảo vệ chân lý và sự thật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là một công việc lâu dài, gian khổ, đòi hỏi dũng khí, trí tuệ và sáng tạo dưới nhiều hình thức để tăng tính thuyết phục, hiệu quả.
LINH KIỀU