(LĐ online) - Sáng 28/8, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
(LĐ online) - Sáng 28/8, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
|
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng |
Tại đầu cầu Lâm Đồng, chủ trì hội nghị có đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH; cùng tham dự có đồng chí K’Mák - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện các cơ quan liên quan.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất văn phòng Đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp sở, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND.
Tại hội nghị trực tuyến, các tỉnh, thành đã góp ý cho dự thảo nghị quyết trên và cơ bản thống nhất với các nội dung tờ trình và dự thảo nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có kế thừa những mặt tích cực của văn phòng trước đây và đảm bảo phục vụ hoạt động chung.
Các đại biểu Đoàn Lâm Đồng cũng góp ý thống nhất với phương án 1 về số lượng và tên gọi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, phòng công tác HĐND, phòng Hành chính – tổ chức – quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm 1 phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quy định”. Thống nhất biên chế của văn phòng nằm trong biên chế hành chính của địa phương, được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Đoàn Lâm Đồng cũng kiến nghị cần có quy định rõ hơn với biên chế ĐBQH và đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở địa phương theo quy định của pháp luật; đề nghị bổ sung quy định cơ quan quản lý trực tiếp của văn phòng vào khoản 2 điều 1 dự thảo; đề nghị bổ sung công tác phối hợp phục vụ hoạt động vào điểm b khoản 1 điều 2 “Chánh văn phòng thừa lệnh Trưởng Đoàn ĐBQH ký ban hành các văn bản hành chính thông thường như giấy mời, công văn…”. Về trụ sở làm việc, có ý kiến đề nghị chỉnh lý bổ sung khoản 1 điều 5 dự thảo nghị quyết theo hướng “Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với trưởng Đoàn ĐBQH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương quyết định việc bố trí trụ sở phù hợp và hiệu quả”.
Các ý kiến góp ý trực tuyến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tổng hợp, điều chỉnh cho phù hợp trước khi ban hành nghị quyết đi vào cuộc sống.
NGUYỆT THU