Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỉ XX...
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỉ XX. Độc lập tự do, thành quả Cách mạng Tháng Tám mang lại chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc vì độc lập của Tổ quốc.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu |
Từ cuộc đấu tranh chống xâm lược của Nhân dân ta
Từ giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, chuyển sang giai đoạn tư bản độc quyền. Vì vậy, nhu cầu tìm thuộc địa, thị trường, nhân công trở nên bức thiết với các nước tư bản châu Âu; trong đó, có thực dân Pháp. Tại Việt Nam, chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội hết sức gay gắt, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn bùng nổ làm cho tình hình xã hội ngày càng rối ren phức tạp.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia châu Âu tìm cách can thiệp và đặt ảnh hưởng vào Việt Nam nhưng đều bị thất bại. Ngày 31/8/1858, được sự hậu thuẫn của Tây Ban Nha, thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau gần 30 năm tiến hành chiến tranh xâm lược bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn lấn dần, chiếm dần và lợi dụng được sự bạc nhược của triều đình phong kiến lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã gây sức ép buộc triều đình Huế kí kết nhiều hiệp ước giao nộp đất đai nước ta cho Pháp. Ngày 6/6/1884, triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp Hiệp ước Pa-tơ-nốt với 19 điều khoản, chia nước Đại Nam ra làm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới ba chế độ cai trị khác nhau. Cùng với Việt Nam, Pháp chiếm Campuchia năm 1863 và thôn tính Lào năm 1893, từ đây chính thức áp đặt sự thống trị lên toàn bộ Đông Dương, tiến hành cuộc khai thác thuộc địa, làm giàu cho nước Pháp.
Trong suốt 30 năm tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Nhân dân. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn liên tục nhượng bộ Pháp, các phong trào đấu tranh của Nhân dân chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ, quyết liệt khắp từ Bắc đến Nam với tinh thần “Bao giờ nước Nam hết cỏ mới hết người Nam đánh Tây”. Bất chấp sức mạnh quân sự của Pháp và sự phản ứng của triều đình Huế, phong trào chống Pháp nổi lên khắp nơi. Các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người đứng đầu các cuộc đấu tranh đã dựa vào dân, tin tưởng vào sức mạnh và ý chí quật cường của Nhân dân, trở thành ngọn cờ quy tụ, đoàn kết Nhân dân chống Pháp. Truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, Nhân dân khắp cả nước tích cực đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước…
Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam và bắt tay vào việc đẩy nhanh quá trình vơ vét tài nguyên thuộc địa. Hai cuộc khai thác thuộc địa Pháp tiến hành ở Việt Nam làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta không còn mang màu sắc “trung quân ái quốc” mà thay vào đó là các phong trào đấu tranh theo đường lối dân chủ tư sản mà Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là đại diện được Nhân dân hưởng ứng rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, do không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, nên chỉ sau một thời kỳ phát triển đã bị kẻ thù dập tắt.
Sự thất bại của phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản chứng tỏ giai cấp tư sản, tiểu tư sản Việt Nam không đủ sức giương cao ngọn cờ lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cách mạng Việt Nam lúc này cần phải chọn lựa một con đường mới, một giải pháp cứu nước mới, giải phóng dân tộc theo xu thế của thời đại và nhu cầu mới của Nhân dân Việt Nam.
Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn |
Đến thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
Trước yêu cầu cấp bách phải tìm một con đường cứu nước mới cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bằng thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén, tháng 6/1911, Nguyễn Ái Quốc đã lên đường sang các nước phương Tây, mở đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản... Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này và cũng là tôn chỉ cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo.
Thực tế đã chứng minh con đường cách mạng vô sản đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, giành độc lập tự do đến thành công rực rỡ. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của con đường cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dẫn dắt cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi chỉ trong vòng 12 ngày tính từ ngày lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố 23/8 cho đến khi khởi nghĩa ở Sài Gòn giành thắng lợi ngày 25/8, nhưng là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, vượt qua nhiều gian khó hy sinh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm.
Ngọn cờ độc lập dân tộc, vì lợi ích của quốc gia dân tộc, của toàn dân luôn được giương cao và là mục tiêu duy nhất để Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam hướng tới ngay từ khi mới ra đời. Mục tiêu ấy cũng là ước vọng, là khao khát của toàn dân tộc đang bị chìm đắm trong đêm trường nô lệ gần một thế kỉ. Chính vì thế, khi thời cơ đến, Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: “Trước thời cơ có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho Nhân dân” thì cả dân tộc “nhất tề đứng lên” đồng sức, đồng lòng tạo thành một sức mạnh vũ bão trong mùa Thu năm 1945. Lịch sử Việt Nam một lần nữa khắc ghi một mốc son chói lọi, Nhân dân Việt Nam đón thêm một cái tết hàng năm, Tết Độc lập từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ Cách mạng mùa Thu của 75 năm về trước, dòng chảy của lịch sử vẫn tiếp tục trôi nhưng tinh thần của Cách mạng Tháng Tám luôn bất diệt, là nguồn động lực to lớn tạo nên sức mạnh vĩ đại cho Nhân dân chiến đấu và giành chiến thắng ở hai cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập tự do mà cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mang lại, đồng thời đưa đất nước ta ngày một vững mạnh như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong những ngày này, cả nước đang tiến tới Đại hội XIII của Đảng với phương châm phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đến giữa thế kỉ XXI nước ta trở thành nước phát triển. Đồng thời, cả nước cũng đang đồng sức đồng lòng để đẩy lùi đại dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta vẫn đủ niềm tin để tin rằng những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những bài học kinh nghiệm từ cuộc cách mạng vĩ đại này vẫn luôn có giá trị thời sự để chúng ta cùng nhau vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
KIM NGÂN