Nghệ thuật chớp thời cơ - bài học rút ra từ Cách mạng Tháng Tám

11:08, 21/08/2020

(LĐ online) - Cách mạng Tháng Tám thành công là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám được kết hợp bởi nhiều yếu tố; trong đó, chớp thời cơ là yếu tố quan trọng mang đến sự thắng lợi và ít đổ máu.

(LĐ online) - Cách mạng Tháng Tám thành công là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám được kết hợp bởi nhiều yếu tố; trong đó, chớp thời cơ là yếu tố quan trọng mang đến sự thắng lợi và ít đổ máu.
 
Thời cơ là thời gian, điều kiện, hoàn cảnh chủ quan và khách quan thuận lợi để tiến hành thắng lợi một việc gì đó và ai nắm được thời cơ thì chắc chắn sẽ thành công. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám bắt đầu từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang đi đến những ngày cuối cùng; phát xít Đức và Ý ở Châu Âu đã bị đánh bại, phát xít Nhật ở châu Á chật vật chống chọi với quân Đồng minh. Ngày 13-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc với chiến thắng thuộc về quân Đồng minh. Ở trong nước, nhân dân ta đang sục sôi ý chí đấu tranh cách mạng; hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương bị chia rẽ cực điểm, quân lính rệu rã, mất hết tinh thần chiến đấu; bọn Việt gian thân Nhật hoang mang, hoảng sợ… Với kinh nghiệm và sự nhạy bén, Đảng ta nhận định “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” -  “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
 
Hưởng ứng quyết định Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và bức thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính quyền tay sai. Chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14 đến ngày 25-8-1945, Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ. Có thể nói, thời cơ của Cách mạng Tháng 8, thời cơ để dân tộc ta đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân nằm trong khoảng thời gian từ ngày 13-8 đến ngày 05-9 -1945, vì thời gian này hội tụ được các yếu tố khách quan và chủ quan, đó là: (i) Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương rệu rã không còn tinh thần chiến đấu. (ii)  Pháp đã đầu hàng Nhật, giành chính quyền từ tay Nhật, lật đổ chính quyền phong kiến Bảo Đại và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02-9-1945, trước khi quân Đồng minh tiến vào nước ta giải giáp quân Nhật. (iii) Tổng khởi nghĩa diễn ra trong thời điểm này sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng và sự tổn thất về người và của ít nhất; đồng thời cũng triệt tiêu một đầu mối quan trọng mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị trên đất nước ta. Như vậy, cuộc Tổng khởi nghĩa nếu diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian này, thì cơ hội để giành độc lập, tự do rất khó thành công; bởi trước ngày 13-8 quân Nhật còn mạnh, còn sau ngày 05-9 các thế lực đế quốc, phản động đội lốt danh nghĩa quân Đồng minh vào tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật, thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Điều này cho thấy, chớp đúng thời cơ là nhân tố có tính quyết định sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945; đồng thời chứng minh một cách hùng hồn nghệ thuật thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ tài tình của của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
 
Thực ra, để chớp được thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có sự chuẩn bị suốt 15 năm về chủ trương, lực lượng và tập dượt qua các phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, cao trào kháng nhật cứu nước, đặc biệt là cao trào cách mạng từ tháng 3 đến tháng 8-1945. Hơn nữa, từ 1941, Bác Hồ đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập Khu giải phóng, triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào, thành lập Ủy ban giải phóng (tức Chính phủ Lâm thời)… Tháng 5-1941, dựa trên những dự đoán ban đầu của tình hình cách mạng trong nước và thế giới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”. 
 
Việc chớp thời cơ, vận dụng và tận dụng tốt thời cơ để tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều ý nghĩa và bài học sâu sắc không chỉ cho riêng dân tộc Việt Nam mà còn cho tất cả dân tộc thuộc địa trên thế giới. Trong Cách mạng Tháng Tám, cùng với bài học về nghệ thuật chớp thời cơ, chúng ta còn rút ra được nhiều bài học quý báu về việc biết tận dụng thuận lợi trong và ngoài nước (yếu tố khách quan, chủ quan); tận dụng được mâu thuẫn của kẻ thù; có tầm nhìn xa trông rộng cũng như lường trước trước được kết quả sẽ diễn ra; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với nòng cốt là lực lượng công - nông - binh hùng hậu; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quyết định… Chính từ những bài học quí báu đó, mà Đảng ta đã vận dụng sáng tạo và thành công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng - bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen; đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp. Theo quy luật vận động, phát triển của xã hội, đi liền với những cơ hội, vận hội mới luôn có những khó khăn, thách thức nảy sinh. Vì vậy, nếu biết vận dụng, nắm bắt tốt cơ hội và luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách thì sẽ biến điều bất lợi thành có lợi. Ngược lại thì không những không tận dụng được thuận lợi, cơ hội để phát triển, mà còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và nguy cơ tụt hậu càng xa hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chủ động chuẩn bị về nguồn lực; biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học; xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn, thách thức; quyết tâm, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì chắc chắn sẽ tận dụng, tranh thủ được thời cơ, vượt qua mọi thách thức, tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. 
 
Trước đây, trong Cách mạng Tháng Tám, Ðảng chủ trương xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; còn ngày nay trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, để đón thời cơ, thì yếu tố con người với quyết tâm chính trị cao, có tri thức và bản lĩnh… sẽ là nhân tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ được khoa học - công nghệ, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; đó chính là sức mạnh nội lực to lớn của đất nước. Làm tốt điều này, thì cho dù thế giới có nhiều biến động phức tạp, cho dù khó khăn do đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế toàn cầu, đất nước ta vẫn có thể tận dụng được những yếu tố thuận lợi, tranh thủ được những thời cơ nảy sinh từ cuộc khủng hoảng để vượt qua mọi thách thức, tiếp tục ổn định, phát triển nhanh, bền vững; thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/9/1945 - 19/8/2020) trong bối cảnh trong nước và thế giới đã có những thay đổi căn bản; vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa nổi lên như một xu thế vận động tất yếu; nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi, đồng thời cũng gặp phải những  khó khăn, thách thức lớn; do đó, bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 lại càng có giá trị thời sự sâu sắc, nếu biết vận dụng sáng tạo nhất định sẽ thành công.
                                                                                                
NGUYỄN VĂN HƯƠNG