(LĐ online) - Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri Lâm Đồng đã phản ánh về tình trạng vi phạm trong quản lý tài sản công là đất đai, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức của các địa phương, bộ, ngành bị xử lý kỷ luật, đề nghị cần có giải pháp hiệu quả để hạn chế, ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực này...
(LĐ online) - Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri Lâm Đồng đã phản ánh về tình trạng vi phạm trong quản lý tài sản công là đất đai, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức của các địa phương, bộ, ngành bị xử lý kỷ luật, đề nghị cần có giải pháp hiệu quả để hạn chế, ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực này. Ngày 9/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có văn bản số 4937/BTNMT-PC trả lời kiến nghị của cử tri.
Bộ TN-MT cho biết có 3 nhóm nguyên nhân của các vụ việc vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, trong quản lý tài sản công là đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được các bộ, ngành xác định trong quá trình đánh giá việc thi hành, thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Một là, quá trình thực thi pháp luật về đất đai chưa tốt, chưa thực hiện nghiêm tinh thần thượng tôn pháp luật làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài sản công, một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cố ý làm trái pháp luật; giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật, nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, quản lý chuyển đổi mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở một số nơi bất cập, thiếu minh bạch.
Hai là, chính sách pháp luật còn có kẽ hở, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa pháp luật về đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp và pháp luật đất đai, cơ chế định giá đất theo giá thị trường, hệ thống thông tin giá đất thị trường còn bất cập; quy định về tạo quỹ đất sạch để đấu giá chưa có đủ điều kiện, chế tài để đảm bảo thực thi trong thực tiễn.
Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả; các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công là đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp được phát hiện, xử lý vừa qua phần lớn đã từ nhiều năm trước đây nhưng chưa được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm; chế tài xử lý vi phạm chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ TN-MT, các bộ, ngành liên quan xác định sẽ tập trung tham mưu và thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công là đất đai như tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Trung ương về đất đai; tổng kết việc thi hành để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai; đổi mới chính sách tài chính về đất đai và hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường; xây dựng hệ thống dữ liệu giá đất thị trường để có dữ liệu chính xác cho xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, công khai minh bạch trong chuyển mục đích sử dụng đất, sắp xếp các cơ sở nhà đất của các cơ quan nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Xử lý, giải quyết hiệu quả tình trạng đầu cơ, không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa, chậm tiến độ sử dụng thông qua các biện pháp kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường (thuế lũy tiến), bên cạnh các biện pháp hành chính như quy định hiện hành. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Thực hiện phân cấp thẩm quyền gắn với thể chế hóa trách nhiệm của từng cấp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng đất, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân trong quản lý và sử dụng đất đai...
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm; công khai minh bạch trong công tác quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và trong công tác định giá đất, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát.
Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính chính, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai cho người dân, doanh nghiệp, thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá trong quản lý sử dụng đất từ Trung ương tới địa phương của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ công, duy trì có hiệu qua các đường dây nóng, loại trừ tham nhũng vặt trong lĩnh vực đất đai.
K.N