Sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

05:09, 01/09/2020

Cách đây 75 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Cách đây 75 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là áng văn lập quốc vĩ đại mà còn là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, pháp lý, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa, trong đó nổi bật vấn đề quyền con người, quyền dân tộc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
 
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
 
Quyền con người, nền tảng thiết lập quyền dân tộc
 
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 bằng sự trích dẫn nội dung tinh túy nhất về quyền con người ghi trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người còn viện dẫn một triết lý mang tính nhân văn cao cả được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Theo Người, những lời bất hủ ấy “là những lẽ phải không ai chối cãi được” và suy rộng ra, “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (1).
 
Việc trân trọng viện dẫn những tinh hoa của hai bản tuyên ngôn nói trên để mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ thể hiện cử chỉ ngoại giao rất tinh tế, sắc bén của chủ nhân một quốc gia vừa giành được độc lập mà còn là khát vọng thiêng liêng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó còn là sự khẳng định và nâng các quyền cơ bản của con người lên thành quyền cơ bản của các dân tộc trên thế giới.
 
Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã xác lập cơ sở pháp lý cả trên nguyên tắc và cả trên thực tiễn về quyền được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không những thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và mở rộng tầm nhìn ngoại giao thân thiện, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, mà còn nổi bật tư tưởng, quan điểm của Người về tính thống nhất biện chứng, không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Trong bức thư Hồ Chí Minh viết cho An be Xa rô, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, năm 1922 có đoạn: “Cái mà tôi cần nhất trên đời: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do”. Luận điểm nổi tiếng đó của Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người và quyền độc lập thiêng liêng.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tiếp cận với vấn đề quyền con người - quyền dân tộc và chính bản thân Người đã trải qua vô vàn khó khăn thử thách, suốt đời đấu tranh vì quyền con người - quyền dân tộc. Người cũng là một trong số ít những lãnh tụ luôn đặt quyền lợi của đồng bào, của dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân. Tháng 1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (2).
 
Để xác lập quyền dân tộc và đấu tranh cho quyền dân tộc, Hồ Chí Minh đã xuất phát từ quyền con người, Người đã thông qua quyền con người để đi đến quyền dân tộc. Bởi vì theo Hồ Chí Minh, quyền con người chính là cơ sở nền tảng để thiết lập quyền dân tộc. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do của mỗi dân tộc được sinh ra trên thế giới này là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là “những lẽ phải không ai chối cãi được” đó là “nhân đạo và chính nghĩa”. Đây là cách tiếp cận rất mới mẻ về quyền con người và quyền dân tộc mà ngay cả các phương tiện truyền thông, báo chí phương Tây lúc bấy giờ cũng ít đề cập đến.
 
Khi đặt quyền con người nằm trong quyền dân tộc và không tách khỏi quyền dân tộc có nghĩa là Hồ Chí Minh đã nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa quyền con người và quyền dân tộc. Quyền dân tộc được phản ánh trên cơ sở truyền thống văn hóa, đạo pháp tự nhiên làm cho con người được thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng việc giải phóng dân tộc không bao giờ tách khỏi việc giải phóng con người và giải phóng con người nhất quyết phải nằm trong giải phóng dân tộc. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ” (3). Từ giá trị lý luận về quyền con người trong bản tuyên ngôn của Mỹ, Pháp, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền con người của cộng đồng - dân tộc. Chính Người đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những năng lực xã hội, muốn cho xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn bộ cá nhân - con người, tạo ra những tiền đề cho sự phát huy cao độ những khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, quyền con người mới được hiện thực hóa.
 
Quyết tâm bảo vệ quyền dân tộc thiêng liêng của Tổ quốc
 
Sau bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam, ngày 10/2/1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền”, song tiếc rằng văn kiện này chỉ nhấn mạnh đến quyền của cá nhân mà không đề cập đến các điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa… của mỗi dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết. Đến năm 1966, Liên hiệp quốc tiếp tục thông qua hai Công ước quốc tế được coi là “Bộ luật nhân quyền quốc tế”, đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Năm 1993, Liên hiệp quốc ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, xác định rõ quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người. Điều 01 của hai Công ước quốc tế năm 1966 đều khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết”. Trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993 cũng có đoạn nhấn mạnh: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”. Cần phải viện dẫn lại những văn bản pháp lý về nhân quyền của Liên hiệp quốc để thấy rõ giá trị có ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam - đi trước nhận thức chung của Liên hiệp quốc hơn 20 năm; đồng thời, thấy được đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển, vận dụng sáng tạo tư tưởng quyền con người, quyền dân tộc vào xây dựng những chuẩn mực pháp lý về nhân quyền của nhân loại trong thế kỷ XX. Thực tiễn này đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền dân tộc đứng vững và phát sáng qua thử thách, sàng lọc khắt khe của thời gian.
 
Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được cả dân tộc Việt Nam viết ra bằng máu, thể hiện sâu sắc nghị lực quyết tâm giành và bảo vệ quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Bản Tuyên ngôn Độc lập kết thúc hùng tráng bằng tuyên bố trịnh trọng và đanh thép, đáp ứng nguyện vọng thiết tha ngàn đời của Nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (4).
 
Giá trị to lớn, ý nghĩa thời đại và sức sống trường tồn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc. Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người. Ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thực sự của độc lập dân tộc. Quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển quyền tự chủ của Nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng với sự kết tinh giá trị nhân văn cao cả của nhân loại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được qua gần 30 năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước.
 
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền dân tộc thiêng liêng trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo, tích cực vào thực tiễn đất nước và phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền. Hiện nay trên thế giới còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề quyền con người, quyền dân tộc, thậm chí các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhằm tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị ở Việt Nam. Song, những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đạt được trong 75 năm qua, nhất là trong công cuộc đổi mới là bằng chứng không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam về thực thi quyền con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của chế độ ta, đồng thời là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, hạt ngọc lung linh trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc vẫn luôn tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân loại tiến bộ.
 
Hơn bao giờ hết, để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải nắm vững lý luận về quyền con người và quyền dân tộc, đặc biệt là cách tiếp cận từ quyền con người đến quyền dân tộc mà Hồ Chí Minh nêu trong Tuyên ngôn Độc lập. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tư tưởng ấy của Người vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý, tính nhân văn sâu sắc mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là nguồn sức mạnh to lớn, là động lực mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh bảo đảm quyền con người, quyền dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong một thế giới đang biến động phức tạp khó lường.
 
(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2002, t.4, tr.1, 161, 152, 4
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG