Tự hào hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng đồng bào!

05:09, 02/09/2020

Cách đây 75 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Cách đây 75 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn chỉ hơn 1.000 từ nhưng lời lẽ vô cùng đanh thép, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước; quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc; quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9 là một bản hùng văn, sáng rực hào khí Việt và đầy ắp tình nghĩa đồng bào!
 
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
 
Mở đầu bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng: “Hỡi đồng bào cả nước!”, và khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại rồi hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh: “rõ ạ”!
 
Không phải ngẫu nhiên mà Bác của chúng ta sử dụng hai tiếng “đồng bào” trong Tuyên ngôn Độc lập. Hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng chỉ có Việt Nam và duy nhất Việt Nam mới có hai tiếng “đồng bào”. Hai tiếng thiêng liêng ấy khởi nguồn từ truyền thuyết cha Rồng, mẹ Tiên, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con; 50 người con theo mẹ lên rừng; 50 người con theo cha xuống biển. Bởi vậy, không đâu trên thế giới này tình đồng bào thấm đẫm trong văn hóa dân gian như ở Việt Nam: 
 
Bầu ơi thương lấy bí cùng
 
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn! 
 
Cũng bởi anh em sinh ra trong cùng một bọc nên: 
 
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; và 
 
Dù ai đi ngược về xuôi
 
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
 
Rõ ràng, hai tiếng “đồng bào” không đơn thuần để chỉ cộng đồng người Việt mà nặng sâu ở nghĩa anh em, tình máu mủ. Đây là cái riêng có; cái độc đáo của dân tộc Việt Nam như Bác Hồ kính yêu khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
 
 Suy rộng ra, Đảng ta cũng được sinh ra từ đồng bào! Niềm vui và hạnh phúc của đồng bào cũng chính là niềm vui và hạnh phúc của Đảng; nỗi đau của đồng bào cũng chính là nỗi đau của Đảng. Bởi vậy, từ khi ra đời, Đảng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là giành độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân. Mục tiêu đó đã trở thành sự thật khi Đảng cùng đồng bào tạo nên sức mạnh như nước vỡ bờ, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc tháng 8/1945. Sức mạnh ấy, thành công ấy được đúc kết bằng 8 chữ vàng: “ý Đảng, lòng Dân; lòng Dân, ý Đảng”. Nếu ý Đảng không hợp lòng dân thì Đảng không thể nào tập hợp được sức dân triệu người như một, nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền. Ngược lại, nếu không có trí tuệ của Đảng thì đồng bào cũng không thể tự mình làm nên Cách mạng Tháng Tám. Rõ ràng, trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, Đảng không thể thiếu dân, dân không thể thiếu Đảng; sự hòa quyện này đã tạo nên sức mạnh song toàn của trí Đảng, lực dân, làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám, đưa con tàu Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác, bão giông với những kỳ tích rạng ngời trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. 
 
Chúng ta đều biết rằng, để làm nên chiến thắng phi thường Điện Biên Phủ, đâu chỉ có sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà còn có cả sức mạnh phi thường của đồng bào cả nước. Con số gần 28.000 tấn lương thực, thực phẩm từ hậu phương chi viện cho chiến trường đã chứng minh điều đó. Hình ảnh đoàn quân khổng lồ “Dân công hỏa tuyến” với các phương tiện thô sơ rầm rập đi dưới làn bom, bão đạn ra tiền tuyến đã tạc vào thế kỷ, làm dày thêm cái nghĩa đồng bào trong trang sử hào hùng của dân tộc. 
 
Hai mươi năm chống Mỹ cứu nước, đồng bào miền Bắc đã chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; hàng vạn thanh niên miền Bắc xung phong lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của nghĩa tình anh em hai miền Nam - Bắc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng!”.
 
Từ ý nghĩa đồng bào mà các khu căn cứ, cán bộ, chiến sĩ ta đã được đồng bào đùm bọc, chở che. Nếu không có cái nghĩa anh em cùng chung một bọc thì khó có tình thương yêu đậm đà Đảng với dân; khó có chuyện toàn dân đánh giặc; khó có chuyện mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi nhà dân là một pháo đài trong cuộc trường chinh đánh giặc…
 
Hơn hai ngàn năm trước, Thánh Gióng được dân nuôi lớn lên như thổi, nhổ tre ngà diệt giặc Ân cứu nước. Dù là truyền thuyết nhưng thông điệp lại rất rõ ràng về sức mạnh của tình nghĩa đồng bào. Hơn hai ngàn năm sau, sức mạnh ấy lại tiếp tục minh chứng, khẳng định một chân lý rất Việt Nam:
 
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
 
Khó vạn lần dân liệu cũng xong. 
 
Từ ý nghĩa sâu sắc của hai tiếng đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nước phải lấy “dân làm gốc”… “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi…”. Tư tưởng ấy của Người đã đi suốt chiều dài trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng đất nước.
 
Đông đảo Nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Đông đảo Nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
 
75 năm sau ngày độc lập, đất nước còn phải trải qua 30 năm đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; 20 năm “tứ bề thọ địch” dẹp loạn Fulro; bảo vệ biên giới và phải gồng mình chịu cảnh bao vây cấm vận. Chúng ta chỉ vỏn vẹn có 25 năm khá yên bình để xây dựng đất nước, nhưng với khoảng thời gian không dài đó, chúng ta đã có những bước tiến diệu kỳ trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao và đặc biệt là những thành tựu ngoạn mục trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đời sống đồng bào từ đô thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không ngừng được nâng lên; bộ mặt nước nhà ngày càng bừng sáng; hai tiếng Việt Nam ngày càng lan tỏa khắp năm châu, bốn biển như “ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Sự phát triển diệu kỳ đó, khiến người đứng đầu nước Mỹ - Tổng thống Donald Trump phải thừa nhận tại Hội nghị APEC ngày 10/11/2017 rằng: “Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới. Và điều này rất đáng phục”. 
 
Nhìn lại Lâm Đồng, chúng ta không khỏi tự hào khi mà tốc độ tăng trưởng liên tục đạt từ 7 đến hơn 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 71 triệu đồng trong năm 2020, cao hơn mức bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,35%. Lâm Đồng còn là địa phương tiên phong và hiện dẫn đầu cả nước về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; là một trong số ít tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và hiện đang khởi động cho lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu… 
 
Dù trong quá trình phát triển, Đảng ta đã có những khiếm khuyết, sai lầm; nhưng điều đáng mừng là Đảng đã tường minh, quyết liệt sửa sai, khắc phục khuyết điểm; thể hiện lòng tự trọng, sự trung thành và phẩm hạnh liêm chính của Đảng đối với đồng bào. Đó cũng là điểm gặp nhau giữa “ý Đảng, lòng Dân; lòng Dân, ý Đảng” - một nguyên tắc bất biến để quyện dân với Đảng, làm sâu sắc hơn ý nghĩa thiêng liêng hai tiếng đồng bào và là “giải pháp nền” trong công tác xây dựng Đảng. Vì lẽ đó, thiết nghĩ mỗi chúng ta cần nghiền ngẫm hai tiếng “đồng bào”; nhận diện rõ hơn, sâu sắc hơn bài học cốt lõi về “lòng Dân, ý Đảng; ý Đảng, lòng Dân”. Muốn ý Đảng hợp với lòng dân; lòng dân hợp cùng ý Đảng thì trước hết Đảng phải hiểu dân; muốn hiểu dân thì Đảng phải gần dân, phải lắng nghe dân nói. Có hiểu lòng dân mới quy tụ sức mạnh của đồng bào. Thực tiễn chứng minh rằng: Gần dân thì dân mến; hiểu dân thì dân tin; làm được cho dân, cho nước thì dân suy tôn; nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm thì dân trọng; hòa hợp “lòng dân, ý Đảng; ý Đảng, lòng dân” thì dân an, Đảng vượng, xã hội phú cường. 
 
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, mừng Quốc khánh 2/9, chúng ta tiếp tục khẳng định một chân lý: Không có Hồ Chí Minh thì không có Đảng Cộng sản Việt Nam; không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có Cách mạng Tháng Tám; không có Cách mạng Tháng Tám thì đất nước không có cơ đồ như ngày hôm nay. 
 
Chúng ta tự hào về những thành quả cách mạng; tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại; tự hào đất nước Việt Nam thương yêu với hai tiếng thiêng liêng - hai tiếng đồng bào! Bác chính là người có vai trò to lớn quyết định sứ mệnh của Đảng và vận mệnh cho đất nước hôm qua, hôm nay và mai sau!
 
VĂN TÒA