5 hoạt động trọng tâm phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới

11:10, 03/10/2020

(LĐ online) - Sáng nay, 3/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Hội nghị trực tuyến 3 cấp tại trụ sở Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã. 

(LĐ online) - Sáng nay, 3/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Hội nghị trực tuyến 3 cấp tại trụ sở Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh tham dự hội nghị.
 
Nội dung chính của hội nghị: Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu một số kinh nghiệm và các điểm cần lưu ý trong phòng chống dịch Covid-19 tại thực địa; những vấn đề mấu chốt trong giải quyết dịch Covid-19 tại Đà Nẵng; giải pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các nhà máy, xí nghiệp tại TP Hồ Chí Minh…
 
Theo nhận định của Bộ Y tế, trên thế giới tiếp tục ghi nhận số mắc lớn và dự kiến kéo dài ít nhất trong 2 năm tới. Dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng phát trở lại sau khi mở cửa nền kinh tế; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh (dự kiến đầu năm 2021).
 
Tại Việt Nam, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực vì còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp, trái phép, có thể còn là hàng hoá nhập khẩu chứa mầm bệnh, phương tiện; người dân, chính quyền vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch; thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan. Bộ Y tế đề ra các hoạt động trọng tâm trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới, đó là: 
 
Kiểm soát người nhập cảnh: Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia. Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc (tokhaiyte.vn); khuyến cáo sử dụng các ứng dụng khai báo, truy vết; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại. Tiếp tục tổ chức, quản lý chặt các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt là hình thức cách ly tại khách sạn, tại nhà và nơi lưu trú.
 
Về công tác xét nghiệm: Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành đảm bảo chính xác, tiết kiệm. Có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực an toàn. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm của các cơ sở xét nghiệm hiện có để sẵn sàng nhận mẫu, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
 
Giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng: Thường xuyên rà soát cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình hình dịch và những hiểu biết mới về dịch bệnh. Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, bệnh viện, đặc biệt đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng, người viêm đường hô hấp, viêm phổi. Thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng chống dịch là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch. Nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh, làm tốt công tác truy vết.
 
Công tác phòng chống nhiễm khuẩn:  Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trong các cơ sở y tế không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế, đảm bảo đủ các tiêu chí của bệnh viện an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động đăng ký, khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương để nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến. Kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xử lý kiên quyết theo quy định.
 
Công tác truyền thông: Tiếp tục cập nhật thông tin minh bạch, kịp thời, trên nhiều phương tiện, hình thức về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các mạng xã hội, gửi tin nhắn, chương trình truyền hình, nhạc phẩm… để người dân hưởng ứng  tham gia, thực hiện. Tiếp tục xây dựng các tài liệu, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh; thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế). Tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông; tăng cường truyền thông nguy cơ, truyền thông chỉ đạo điều hành; tiếp tục huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan truyền thông, báo chí; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.
 
AN NHIÊN