Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ động phối hợp triển khai, thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực...
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ động phối hợp triển khai, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020) gắn với tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về những kết quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy |
PV: Xin đồng chí Trưởng ban khái quát lại những dấu ấn trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng?
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Phát huy những kết quả đạt được của phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2011 - 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng đạt nhiều kết quả. Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tăng cường công tác phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Mặt khác, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng và nhân rộng được 8.641 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 đã xây dựng và nhân rộng được 6.117 mô hình, điển hình dân vận khéo, tăng 3.593 mô hình, điển hình so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế có 1.250 mô hình, điển hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 1.972 mô hình, điển hình; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 1.850 mô hình, điển hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 1.171 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng năm 2020; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,53% năm 2020; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trọng tâm là xây dựng “gia đình văn hóa”, “thôn, tổ dân phố văn hóa”...; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 90%, tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 95%, tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đạt 90%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 87,5%; cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 98%. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế được quan tâm; trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Ngoài ra, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (Ban Chỉ đạo 502 tỉnh) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực tổ chức thành công 7 đợt công tác dân vận tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua đó, tổng trị giá huy động được cho các đợt công tác dân vận đạt trên 24 tỷ đồng để thực hiện các công trình, hạng mục phục vụ dân sinh.
Hiện nay, công tác dân vận và mô hình “Dân vận khéo” đã hiện diện trong các cơ quan Nhà nước, các cấp ủy đảng, các doanh nghiệp, các tôn giáo và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các mô hình “Dân vận khéo” cũng luôn hướng đến các lĩnh vực như: kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị; nông thôn mới, giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân…
|
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Nguyệt Thu |
PV:
Đồng chí có thể làm rõ thêm về vai trò của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua?
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Thời gian qua, hệ thống dân vận trong tỉnh đã tập trung phối hợp với các cấp, các ngành, nòng cốt là cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, chú trọng đổi mới về phương pháp, nội dung và cách thức tuyên truyền phù hợp với từng thành phần xã hội. Những nội dung tuyên truyền về phong trào “Dân vận khéo” cũng được lồng ghép trong các hoạt động tại cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần lan tỏa phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục “Dân vận khéo” trên Báo Lâm Đồng và trên Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Từ đó, hàng trăm bài viết, phóng sự truyền hình tuyên truyền về “Dân vận khéo” đã được đăng tải và phát sóng. Qua đó, nhằm thông tin tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài đã giới thiệu các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, những cách làm sáng tạo của các địa phương… Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đã phối hợp phổ biến các tài liệu, văn bản về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”; xây dựng các cụm pano ảnh tuyên truyền trực quan, tranh ảnh, khẩu hiệu; tổ chức hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư…
Công tác tuyên truyền đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực đời sống. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên các lĩnh vực đời sống xã hội đã góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua; tạo sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, quyền làm chủ và nguồn lực trong Nhân dân… Từ đó, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống người dân cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cơ sở.
|
Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo 502 của tỉnh gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân |
PV:
Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 là gì thưa đồng chí Trưởng ban?
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Trong đó, có những bài học kinh nghiệm như cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Cán bộ, công chức, đảng viên phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nhạy bén, sáng tạo, xác định đúng các công việc cấp bách và cần thiết để chỉ đạo xây dựng phong trào. Bên cạnh đó, Ban Dân vận các cấp phải chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản để chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, lộ trình cụ thể sát với điều kiện thực tế của địa phương để chỉ đạo thực hiện; thường xuyên chú trọng đến việc đánh giá, sơ kết, tổng kết; kịp thời động viên, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, cần tập trung cho công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đặc biệt “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt việc lồng ghép các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác.
Bài học kinh nghiệm tiếp theo là, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải giữ vững nguyên tắc tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân. Kết hợp hài hòa các lợi ích, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân. Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân.
PV:
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, theo đồng chí, thời gian tới cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo” thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã bàn bạc thống nhất đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân về công tác dân vận theo nội dung Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 66-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thứ hai là thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” bám sát nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Thứ ba là hướng dẫn Ban Dân vận các huyện, thành ủy tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Thứ tư là phối hợp với các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp tăng cường công tác dân vận trong khối chính quyền; trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân; tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị…
Nhiệm vụ trọng tâm thứ năm là, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để xác định nội dung, cách thức phát động thi đua sát thực tế của địa phương, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc xây dựng, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình cần đi vào chiều sâu, có tính bền vững; kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, sản xuất và trong công tác. Thứ sáu là duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục “Dân vận khéo” trên Báo Lâm Đồng và sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Thứ bảy là định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện, kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân, các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Nhiệm vụ trọng tâm cuối cùng là, hàng năm, các cấp, các ngành cần phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận và công tác vận động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở.
PV:
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Trưởng Ban Dân vận đã bớt chút thời gian trao đổi với chúng tôi!
DUY DANH (thực hiện)