Nghĩa Đảng, tình Dân

09:10, 12/10/2020

Dòng sông, ngọn núi nào trên vùng đất Nam Tây Nguyên này cũng in dấu một thời bom đạn. Tên làng buôn nào cũng được ghi lại bằng những trang sử đỏ máu, trắng xương...

Dòng sông, ngọn núi nào trên vùng đất Nam Tây Nguyên này cũng in dấu một thời bom đạn. Tên làng buôn nào cũng được ghi lại bằng những trang sử đỏ máu, trắng xương. Đó là những kỳ tích của một thời oanh liệt và cũng là những ký ức đậm tình dân với Đảng, với Bác, với sự nghiệp giải phóng dân tộc. 
 
Lãnh đạo Trung ương và địa phương thường xuyên đến thăm và động viên đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Duy Danh
Lãnh đạo Trung ương và địa phương thường xuyên đến thăm và động viên đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Duy Danh
 
Một lòng theo Đảng 
 
Xã Lộc Lâm (Bảo Lâm) là mảnh đất kiên trung, một căn cứ địa đi qua cả hai cuộc kháng chiến. Ở đó, tôi đã gặp cựu du kích K’Brốp, người dân tộc Mạ. “Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ. Đảng về, cán bộ của Bác Hồ về, mọi người như gặp được ánh sáng của Yàng. Từ đó, tuyên truyền với bà con chỉ nghe theo lời Đảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng”. Điều hết sức cảm động là từ năm 1961 cho đến hôm nay, tất cả các gia đình ở xã Anh hùng này luôn treo ảnh Bác Hồ trong ngôi nhà của mình như một sự biết ơn, một lời nhắc nhở. Tôi cũng đã từng lên khu đồi nhỏ ở trung tâm xã Sơn Điền thuộc huyện Di Linh và chứng kiến tấm bia đá khắc dòng tên những người con dân tộc Cơ Ho của vùng đất này đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ năm 1942, đồng bào ở đây đã đồng lòng đứng lên chống Pháp và bè lũ tay sai khi chúng âm mưu lập thẻ bài, bắt xâu, bắt lính. Họ đã góp sức xây dựng căn cứ kháng chiến Mang Yệu - Chi Lan. Từ năm 1947, xã chỉ chừng 350 người dân mà đã có được một đội du kích 40 tay súng. Những cán bộ của Khu VI như Tám Cảnh, Ma Hương đã bám đất, bám dân, phát triển căn cứ. Tôi cũng đến với Đồng Mang, Đạ Tro, K’Long K’Lanh… những tên đất tên buôn đã trở thành huyền thoại, nơi nuôi giấu những chiến sỹ cách mạng như Chế Đặng, Đinh Sỹ Uẩn. Những năm 1967 - 1969, hàng trăm trai gái trong các buôn làng nơi đây đã đi cứu thương, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoạt động suốt tuyến Quốc lộ 21, nối Nam Tây Nguyên với Chiến khu D và Trung ương Cục miền Nam. Đội quân ấy là những chiến binh dũng cảm của Đoàn H50 Anh hùng nổi tiếng một thời… 
 
Ở huyện Cát Tiên, tôi gặp cụ Điểu K’Khen, cựu du kích xã Tư (thuộc K29, Phước Long cũ, nay là Thôn 4, xã Phước Cát 2). Lão du kích S’Tiêng say sưa kể về những kỷ niệm ở quãng thời gian hơn 50 năm trước. Đó là những tháng ngày cụ theo C200 nhận nhiệm vụ của Trung ương Cục miền Nam khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, mở đường đón các đoàn cán bộ cao cấp từ miền Bắc. Con đường ấy đã in dấu chân các đồng chí Trần Nam Trung, Mai Chí Thọ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trên hành trình về Nam lãnh đạo các tầng lớp nhân dân kháng chiến. Ở xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên, tôi đã gặp một người con ưu tú của núi rừng là chị Điểu Thị Lôi, người từng được phong Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2, được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi, từng là Đại biểu Quốc hội. Ký ức của chị về những năm tháng cũ là những dòng thật giàu ý nghĩa, chị ít nói về mình mà kể nhiều chiến tích và sự hy sinh của đồng chí, đồng bào. Vùng thượng nguồn Đồng Nai thấm máu này, từng có những gia đình góp cả đàn trâu, bò; có những dòng họ quyên toàn bộ những tài sản quý giá như đồ vàng, đồ bạc, chiêng chóe, đồng la từ thời ông bà để lại giúp cách mạng mua lương thực, thuốc men, súng đạn. Có những nóc nhà sàn đã hy sinh đến người cuối cùng. Cũng ở đất Lâm Đồng, tôi đã gặp những nữ thương binh người Châu Mạ, Cơ Ho, cựu pháo thủ của Đại đội nữ pháo cối 8-3 hay bà Ka Lý - người mẹ đã đau đớn đến tột cùng khi bóp mũi đứa con ba tháng tuổi chết trên tay mình giữa trận càn của giặc ở vùng Đạ Tẻh để bảo vệ bí mật cho căn cứ kháng chiến… 
 
Thời gian khó và anh dũng, đồng bào các dân tộc anh em chắt chiu từng hạt bắp, sẻ chia từng bó rau rừng nuôi cán bộ cách mạng, nuôi bộ đội. Máu của họ đã đổ xuống và hòa chung với máu các chiến sỹ để ủ ấm màu xanh núi rừng. 
 
Đảng vì dân, giúp dân đổi đời 
 
Sau ngày nước nhà thống nhất cho đến khoảng gần ba mươi năm trước, đất Lâm Đồng trong ý nghĩ của mọi người là chốn rừng thiêng, nước độc. Ở nơi đó có những địa danh mà khi kể tên đã gợi lên cảm giác “thâm sơn cùng cốc”, là chốn của đói nghèo, của muỗi vắt, thú dữ và dấu giày Fulro. Chúng tôi đã từng xót xa chứng kiến ở vùng chiến khu Lộc Bắc, nơi có người du kích K’Wét từng bắn rơi máy bay chở tên Trung tướng Mỹ Kisi, có những buôn Châu Mạ mà tất cả đều bị nhiễm sốt rét, không còn ai đủ sức khiêng người thân vượt rừng ra trạm xá. Ở buôn K’Long K’Lanh kiên trung với cách mạng một thời, mà tất cả mọi người chỉ ăn toàn ngô, không hề biết đến hạt cơm. Đồng Nai Thượng thuộc Chiến khu D hào hùng năm xưa, vẫn cách biệt giữa núi rừng như một ốc đảo. Các dân tộc anh em đã từng kề vai sát cánh, nghĩa tình với Đảng, một lòng đi theo cách mạng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Không lẽ, đời sống của những cư dân giữa núi rừng đại ngàn cứ mãi bị vây hãm bởi những khó khăn như không có đường ra?!...
 
Đó là câu hỏi lớn cần có lời giải đáp. “Đầu tư cho những vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, là sự đền đáp ân nghĩa với đồng bào…”, một lãnh đạo địa phương từng nói với chúng tôi. Đảng và chính quyền từ địa phương đến Trung ương đều trăn trở nghĩ cách và xắn tay vào cuộc. Từ những chủ trương lớn, các chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ các nguồn vốn khác nhau, Trung ương và tỉnh đã chi hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư khai hoang trên 10 ngàn ha đất cho hàng ngàn gia đình lập vườn hộ cùng với giao khoán 297.400 ha rừng cho 11.810 hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ. 300 ngàn người nghèo được hưởng lợi từ hơn 3.000 công trình nước sạch. 100% số xã có điện lưới quốc gia. Gần 90% số hộ nông thôn trong tỉnh được dùng điện với sự trợ giúp kinh phí của tỉnh, trong đó số đông là đồng bào dân tộc thiểu số mắc nhánh rẽ vào nhà. 103/145 xã có bưu điện văn hóa; 100% số xã có điện thoại, trường học và trạm y tế; 85% địa bàn được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 908.205 lượt người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT. Hơn 25.000 hộ nghèo được đầu tư hoàn toàn hoặc hỗ trợ xây dựng nhà ở. 19.031 lượt học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được hỗ trợ kinh phí. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để con em đồng bào được học tập, phấn đấu và cống hiến, nhiều người đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể… 
 
Đến thời điểm hiện nay, khắp địa bàn không còn nơi nào để thực sự gọi là vùng sâu, vùng xa nữa. Mạng lưới đường sá chất lượng khá cao, thuận lợi và phủ khắp. Tất cả 147 xã, phường trong toàn tỉnh đã có đường ô tô vào tận trung tâm. Các quốc lộ, tỉnh lộ đã nối mạng thông suốt Lâm Đồng với nhiều vùng trong nước. Những đôi chân trần ở những miền sâu xa hun hút ngàn đời quen với lối nhỏ rừng sâu, bấm vào vách đá tai mèo nay thoải mái đi về trên những nẻo đường thênh thang trải nhựa. Những vùng chuyên canh chè, cà phê, tiêu, điều có thêm điều kiện giao thương, hạ giá thành sản xuất và nâng cao giá trị hàng hóa. Chúng tôi đã được chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu từ cuộc sống du canh, phát nương làm rẫy, tự cung tự cấp sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhờ con đường rải nhựa ở vùng chè Lộc Bắc (Bảo Lâm) hay vùng chuyên canh điều Đồng Nai Thượng (Cát Tiên). Những vùng cư dân Kơ Ho như Tân Châu (Di Linh) đã trở thành vùng đất của những tỷ phú; như Xã Lát (Lạc Dương) đã trở thành một trung tâm du lịch văn hóa sắc tộc nổi tiếng; như Ka Minh (Gung Ré, Di Linh) đã trở thành một làng buôn giàu có và là quê hương của hàng chục thạc sỹ, cử nhân. Quê hương đồng bào Mạ ở Lộc Tân (Bảo Lâm) là hình mẫu của nông nghiệp công nghệ cao về buôn. Đạ Đờn (Lâm Hà) mà hầu hết những tàn binh Fulro năm xưa nay đều trở thành những nông dân tỷ phú. Những xã đồng bào dân tộc nghèo khổ một thời ở huyện nghèo Đạ Huoai nay trở nên giàu có bởi phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả… 
 
Trên mảnh đất Lâm Đồng này, ai có thể quên những tháng ngày tối tăm, đói cơm lạt muối. Bao đời tồn tại trong cảnh lạc hậu, nghèo đói và bệnh tật. Trong khói lửa chiến tranh, Đảng đã chỉ đường và cùng dân đánh giặc, giữ lấy buôn làng. Hòa bình, Đảng đưa ánh sáng về tận những nơi xa xôi, heo hút và đầu tư biết bao trí tuệ, công sức nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc cho đồng bào. Niềm tin, lòng biết ơn và sự trung thành của lòng dân với Đảng và Bác Hồ kính yêu được hình thành từ những cơ sở sâu sắc và bền vững ấy.   
 
UÔNG THÁI BIỂU