Vai trò của phụ nữ trong tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh

10:10, 14/10/2020

Trong kho tàng tư tưởng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những chỉ dẫn quý báu về xây dựng Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...

Trong kho tàng tư tưởng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những chỉ dẫn quý báu về xây dựng Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân… thì tư tưởng của Người về vai trò của phụ nữ cũng chiếm vị trí hết sức quan trọng. Người cho rằng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. 
 
Hội LHPN tỉnh biểu dương các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động. Ảnh: Diệu Hiền
Hội LHPN tỉnh biểu dương các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động. Ảnh: Diệu Hiền
 
Phụ nữ là một lực lượng to lớn, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ vừa anh hùng, bất khuất trong đấu tranh lại đảm đang, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất và nhân nghĩa, thủy chung trong quan hệ gia đình, xã hội. Đó chính là truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”. Thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ là nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội. Do đó, “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” và “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ. Bác khuyên “Phải thông cảm sâu sắc với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn”. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bác khuyên chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Trước khi mất, trong Di chúc, Người căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
 
Trong thực tiễn công tác và cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ dành nhiều quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ. Khi đi công tác hoặc về thăm cơ sở, Bác luôn chú ý đến số lượng, tỷ lệ đại biểu nữ và ân cần mời chị em lên hàng ghế đầu, động viên chị em phát biểu ý kiến. Khi thấy cán bộ nữ trưởng thành, tiến bộ, Người động viên, khuyến khích kịp thời. Ở ngành nào, địa phương nào chưa quan tâm đến chị em, có tư tưởng hẹp hòi, không đánh giá đúng khả năng của phụ nữ, Người đã nhắc nhở, phê phán kịp thời. Bác luôn căn dặn phải có chủ trương, chính sách, giải pháp thật cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào công tác chính quyền, đoàn thể; phát huy tài năng, sở trường của họ trong các lĩnh vực phù hợp với bản thân phụ nữ.
 
Có câu chuyện thế này: Một lần, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dẫn đoàn cán bộ chủ chốt ra Hà Nội thăm Bác, trong đoàn không có lấy một bóng phụ nữ nào cả, toàn nam giới. Bác không hài lòng nhưng Bác cũng không phê bình ngay, Bác còn thăm dò đã “Hôm nay đoàn cán bộ tỉnh Thanh ra làm việc và thăm Bác, đoàn đi có đủ không? (Nếu đi đủ thì đích thực là không có cán bộ nữ rồi!); đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất thành thật trả lời như đinh đóng cột “Chả mấy khi được ra thăm Bác nên chúng cháu đi đủ 100% chứ ạ”. Bác không nói gì cả vì Bác biết là Thanh Hóa chưa quan tâm đến cán bộ nữ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhanh trí, biết Bác không vui, vội đánh trống lảng, xin phép Bác chụp ảnh với đoàn để làm kỷ niệm. Bác thẳng thừng từ chối. Không, hôm nay nhất định không chụp ảnh, các chú về hết đi, khi nào đào tạo được cán bộ nữ, bố trí các cô vào cấp ủy hoặc trưởng, phó các ban, ngành ở địa phương, huyện thì báo ngay với Bác, Bác sẽ cho mời tất cả ra chụp ảnh, còn hôm nay nhất định không. Thế là về hết.  
 
Một lần khác, Bác đọc báo Thái Bình thấy có hiện tượng nam giới uống rượu say đánh vợ. Khi đến thăm và làm việc tại Thái Bình; trong hội nghị Bác hỏi ngay “Trong số các cô ở đây, cô nào bị chồng đánh đứng dậy mách Bác nào”. Ai mà dám đứng lên, xấu hổ lắm chứ. Bác đợi mãi không thấy cô nào đứng dậy, Bác lại hỏi: vậy chú nào trót uống rượu say mà đánh vợ, đứng lên nhận lỗi với Bác và xin lỗi các cô đi. Cũng không anh nào dám đứng dậy, nhưng ở dưới có tiếng rì rầm “Thưa Bác, cũng dọa sơ sơ thôi chứ có đánh đâu”. Bác nghe được hết, Bác bảo là đánh thật đấy các chú ạ, chứ có dọa đâu, thâm tím hết mặt mày thế mà dọa à. Không tôn trọng phụ nữ là rất kém về văn hóa và đạo đức. Đánh vợ là dã man. Bác nói thế này: Các chú, sao lúc yêu nhau thì anh anh em em ngọt ngào thế, mà lúc điên tiết lại thụi người ta?  
 
Lại có một lần Bác đến thăm một đơn vị quân đội, Bác rất hài lòng về chuyện ăn ở, vệ sinh ngăn nắp, doanh trại bộ đội kiểu mẫu phải thế. Bác khen, nhưng khi nhìn lên tường thấy chiến sĩ ta cắt toàn hình con gái đẹp từ báo ra, dán la liệt trên tường, Bác hỏi chú nào nằm giường này. Một chiến sĩ chạy đến thưa Bác giường của cháu ạ. Bác hỏi chú có vợ con chưa. Dạ, cháu có vợ con rồi ạ. Bác bảo tốt lắm, rồi Bác cầm tay, kéo đồng chí đó sát tận chân tường và nói chỉ cho Bác xem vợ chú là cô nào trên tường. Chiến sĩ ta mặt đỏ bừng, thẹn thùng, gãi đầu gãi tai, ấp úng: Dạ thưa Bác vợ cháu ở quê ạ! cháu chỉ dán cho vui thôi ạ. Bác nghiêm khắc: chú vui nhưng cô ấy có vui không, khi lên thăm chú nhìn thấy thế này cô ấy vui không. Vợ con chú, chú không thương không nhớ, chú nhớ đâu đâu vậy? 
 
Ta thấy, tình cảm của Bác dành cho phụ nữ đơn giản mà sâu sắc biết mấy.
 
Thấm nhuần tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ, trong suốt mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm cho lực lượng này. Về quan điểm, có thể kể đến: Chỉ thị số 44 ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ” đã khẳng định những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chỉ rõ sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện nam nữ bình đẳng và đề ra phương hướng cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ nữ.
 
Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04 về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới” xác định quan điểm “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Vì vậy, phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
 
Chỉ thị số 37, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” đã nhấn mạnh tới việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thật sự thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ; là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” chỉ rõ: “Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới…
 
Và, sau 32 năm đổi mới, Chỉ thị số 21 ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đặt ra nhiệm vụ: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân… Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, chương trình, đề án bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ với nhiều quy định mới, tiến bộ, có thể kể đến như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… cùng rất nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, góp phần thay đổi vai trò truyền thống, giảm bớt gánh nặng công việc gia đình, tạo điều kiện để người phụ nữ có thời gian học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. 
 
Chính nhờ được thụ hưởng những thành quả trong quá trình phát triển của đất nước nên phụ nữ Việt Nam ngày càng tự tin, năng động, sáng tạo, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
 
Tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước dành cho sự quan tâm đặc biệt, hơn ai hết, phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống 8 chữ vàng mà Bác tặng cho “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
 
TRẦN TRUNG HIẾU (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy )