Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có được điều này do Huyện ủy Lạc Dương xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có được điều này do Huyện ủy Lạc Dương xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Lạc Dương là một huyện miền núi, có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; quy mô dân số ngày càng tăng nên nhu cầu có đất để sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng cao. Do đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp còn thường xuyên xảy ra, có lúc, có nơi diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương khác di dân tự do đến địa phương lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp hoặc có ý định cư trú lâu dài tại địa phương mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã gây nhiều khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.
Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Lạc Dương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU ngày 11/4/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản”. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 11/7/2016 để cụ thể hóa Nghị quyết của Huyện ủy; đồng thời, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đều nghiêm túc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy và Kế hoạch của UBND huyện.
Theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể đó là: Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng có sự chuyển biến rõ nét.
Diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được bảo vệ nghiêm ngặt, công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Các dự án phát triển kinh tế như xây dựng nhà máy thủy điện, kinh doanh dịch vụ du lịch đều đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ, phát triển rừng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Mặt khác, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể về cả số vụ, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại qua từng năm, bình quân giảm khoảng 18%/năm về số vụ vi phạm. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép được kiềm chế; các vụ vi phạm về khai thác và cất giữ lâm sản trái phép được phát hiện và xử lý kịp thời; những vụ nổi cộm đều truy tìm được đối tượng vi phạm và xử lý hình sự, từ đó nâng cao được tính giáo dục, răn đe của pháp luật. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, huyện Lạc Dương đã phối hợp tốt với huyện Đam Rông tổ chức giải tỏa đối với 33 hộ dân thuộc Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông di dân tự do sang lấn chiếm 26,4 ha đất rừng đặc dụng tại Tiểu khu 26, 27 thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý. Quá trình giải tỏa không tạo thành điểm nóng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân trên đã được đưa về nơi cư trú hợp pháp và không tái lấn chiếm tại vị trí này. Cũng trong 5 năm qua, địa phương đã tổ chức trồng được 297,59 ha rừng (gồm: 127,58 ha rừng đặc dụng, 167,41 ha rừng phòng hộ và 2,6 ha rừng sản xuất); 15.503 cây phân tán các loại, đạt 100% kế hoạch đề ra, góp phần duy trì độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ trên 85%.
Bên cạnh đó, huyện đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về rừng, từ đó thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng… kết hợp quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết việc làm đối với một bộ phận người lao động tại chỗ. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng 107.542 ha, giao khoán cho 3.133 hộ dân và 13 đơn vị tập thể (tăng 9.625 ha và 151 hộ so với đầu nhiệm kỳ), góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo và giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.
Đạt được những kết quả trên là nhờ có hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm hoàn thiện, đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các chương trình đầu tư của Nhà nước cũng như các chương trình, dự án khác tiếp tục phát huy hiệu quả và là một trong những nguồn lực quan trọng, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo ổn định phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Trước xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của huyện Lạc Dương nói riêng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện dự báo trong thời gian tới sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức như: Tình trạng di cư tự do từ các địa phương khác đến huyện Lạc Dương tiếp tục gia tăng; nhu cầu về đất ở, đất sản xuất tiếp tục tăng cao; tình trạng vi phạm về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, diễn biến ngày càng phức tạp bằng nhiều hình thức khác nhau; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện huyện Lạc Dương có tổng diện tích tự nhiên là 131.136 ha; trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 116.292 ha; độ che phủ của rừng đạt trên 85% với hệ động thực vật rừng phong phú, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Rừng tại huyện Lạc Dương có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đầu nguồn của hệ thống sông Đa Nhim, Đồng Nai, Sêrêpôk; giúp cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đạ Khai, Yan Tann Sien, Krông Nô..., đồng thời góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như khu vực Đông Nam Bộ.
KHẢI NHIÊN