Giữa lúc mà dư âm của những biến cố từ bão lũ vẫn chưa qua hết dọc dải đất miền Trung, giữa lúc những đoàn cứu trợ từ khắp các tỉnh thành trong cả nước vẫn ngày đêm hối hả chạy về phía Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quang Nam, Quảng Ngãi...
Giữa lúc mà dư âm của những biến cố từ bão lũ vẫn chưa qua hết dọc dải đất miền Trung, giữa lúc những đoàn cứu trợ từ khắp các tỉnh thành trong cả nước vẫn ngày đêm hối hả chạy về phía Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quang Nam, Quảng Ngãi... những con số từ bản báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển” đã làm dấy lên những mối quan ngại về rủi ro mà khu vực này sẽ phải gánh chịu, nếu không có ngay những giải pháp khẩn thiết trước mắt và lâu dài.
Khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển trong khu vực đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề. Hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Ngập lụt nghiêm trọng trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn một phần ba lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do mưa bão. Các cơ sở công cộng và hạ tầng khác cũng đứng trước các nguy cơ này, có nghĩa là việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất... là những điều đã được bản báo cáo này đề cập đến.
Mỗi năm, trung bình có tới 852 triệu USD (tương đương khoảng 0,5% GDP) và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển là những thông số khác, cho thấy mức thiệt hại nghiêm trọng ở khu vực này. Kéo theo là những hệ lụy không dễ gì bù đắp đối với sinh kế của khoảng một nửa dân số trên cả nước, với trên dưới 47 triệu người và những hệ quả lũy kế về an sinh xã hội. Điều này mặt khác cũng cho thấy, vai trò mang tính đối trọng trong sự phát triển của khu vực ven biển. Nhưng cũng cần lưu ý, dù nhiều nhất và dài nhất, nhưng vùng ven biển miền Trung cũng chỉ là “hợp phần” trong tổng số hơn 3.200 km đường bờ biển của các địa phương trong cả nước.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển bền vững cho các vùng ven biển của Việt Nam, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN&PTNT khẳng định “chúng ta không thể bỏ qua những thách thức từ các cú sốc thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Chúng ta phải đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng nếu muốn đạt được mục tiêu thịnh vượng kinh tế".
Mục tiêu này, sẽ chỉ được thực hiện nếu chúng ta có điểm lùi, thậm chí là sự dừng lại để đánh giá lại những tác động đến hệ sinh thái, sự thay đổi, những tổn thương và khả năng chống chịu của nó trước thiên tai khi phát triển kinh tế ở các khu vực ven biển. Điều ấy cũng có nghĩa là, cần phải thấu hiểu và nhận thức rõ ràng hơn về sự được/mất; việc cân nhắc kỹ lưỡng khả năng phải đánh đổi sinh kế và cuộc sống của người dân lấy tăng trưởng nóng về kinh tế.
Cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới cho khu vực ven biển, nếu không, hàng tỉ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên là khuyến cáo đã được đưa ra cho khu vực này. Nói theo cách của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, là “đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc".
YÊN MINH