Là nhận định của người đứng đầu Tổng cục Thống kê - TS. Nguyễn Thị Hương về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập người lao động trong quý IV so với quý III và 9 tháng đầu năm...
Là nhận định của người đứng đầu Tổng cục Thống kê - TS. Nguyễn Thị Hương về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập người lao động trong quý IV so với quý III và 9 tháng đầu năm. Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng, kinh tế đang dần phục hồi; các công trình, dự án đang vào mùa cao điểm và mức chi tiêu của người dân vào cuối năm sẽ tăng... là những điều mà Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê căn cứ để đưa ra nhận định này.
Cũng theo bà Hương, ngay cả khi COVID-19 tái phát và quay trở lại cộng đồng, đây vẫn là điều có thể chắc chắn. Niềm tin này được xây dựng trên cơ sở thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như một giải pháp hữu hiệu được đưa ra từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bên cạnh chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) năm 2020 cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và hàng loạt giải pháp giảm các loại phí, lệ phí khác, có khoảng 19% số DN đã được hỗ trợ để có thể quay trở lại sản xuất, trong đó chủ yếu được hỗ trợ qua việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và một số chính sách khác…
Dự báo này mang đến sự ấm lòng. Song trong cái nhìn tổng quan, sự lạc quan này, có thể chỉ diễn ra ở một vài vùng, vài khu vực. Việc quay trở lại sản xuất, phục hồi các đơn hàng và tham gia vào thị trường kinh tế chắc chắn là còn không ít cam go với các DN. Nhất là khi nhiều DN đã quá tải khi phải chống chịu với áp lực thiếu vắng các đơn hàng; thiếu nguyên vật liệu và phải tìm cách cân bằng trong việc giữ được người lao động ở một giới hạn có thể.
Mặt khác cũng phải nhận thấy rằng, khu vực DN đang được kỳ vọng sẽ góp phần rất lớn trong việc phục hồi lại nền kinh tế sau hai làn sóng COVID-19. Tuy nhiên, con số khoảng 19% DN được (hoặc nhận được) sự hỗ trợ như đã đề cập ở trên vẫn là một con số quá khiêm tốn so với điều được chờ đợi. Khó tiếp cận, vướng nhiều thủ tục, quy trình để xác nhận tình trạng khó khăn là điều đã được các DN nêu ra tại không ít diễn đàn. Dù việc cấp, cho vay vốn cần phải được rà soát, song sẽ khó tạo ra được một sự thay đổi, nếu ai cũng sợ rủi ro và nợ xấu. Đương nhiên, việc cải tiến, mạnh dạn hay quyết đoán cũng sẽ chỉ được thực hiện khi các DN không nhằm thu lợi từ các chính sách. Sau gói cứu trợ lần thứ nhất, một gói cứu trợ lần thứ hai trị giá 18.600 tỷ đồng đã được đề nghị, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cũng là điều đang được người dân và cộng đồng DN trông đợi.
So với cả nước, có tịnh tiến nhưng sẽ chậm hơn các khu vực trong cả nước là dự báo về thị trường lao động, thu nhập của người lao động và cả tăng trưởng kinh tế đối với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. COVID-19, bão và cả đợt lũ những ngày vừa qua đã làm khó khăn chồng lên khó khăn.
YÊN MINH