(LĐ online) - Ngày 05/11/2020, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2020;...
(LĐ online) - Ngày 05/11/2020, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2020; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2021. Đồng chí Nguyễn Tạo, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tham gia phát biểu ý kiến.
|
Đồng chí Nguyễn Tạo, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu phát biểu trước, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ đã điều hành sát sao, hiệu quả trước thực tế khó khăn của đất nước và kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy điều đó. Từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tạo đề cập về hai vấn đề:
Thứ nhất là về tín dụng chính sách. Trong điều kiện rất khó khăn, đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch bệnh và thiên tai, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể nói, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và về xây dựng nông thôn mới, chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa nước ta đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là bà con khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để tín dụng chính sách đạt được hiệu quả tốt hơn, tối ưu hóa công cụ tài chính hữu hiệu trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm hơn nữa các giải pháp sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”; phối hợp, lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình, dự án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
- Đưa chỉ tiêu về chi ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào Luật Ngân sách để các địa phương có căn cứ thực hiện.
- Đổi mới hơn nữa chính sách tín dụng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; xem xét, ban hành cơ chế cho vay đối với hộ có mức sống trung bình cho phù hợp với Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
|
Đồng chí Nguyễn Tạo, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội |
Thứ hai là về chính sách trong phòng, chống thiên tai. Trong những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lũ, ngập lụt, sạt lở núi, bùn đất... ngày càng nghiêm trọng, gây những tổn thất rất lớn về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng tài sản, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thảm cảnh mất mát do bị bùn đất sạt lở vùi lấp gây tang thương gần đây ở một số địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về 2 vấn đề: một là quy hoạch và bố trí dân cư, hai là lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
- Về vấn đề quy hoạch và bố trí dân cư, lâu nay nhiều quy hoạch đã và đang được thực hiện, Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã có hiệu lực từ đầu năm 2019, quy hoạch về dân cư, đối với các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn Chính phủ có chương trình riêng. Tuy nhiên việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần tập trung hoàn thành sớm các quy hoạch, trong đó có quy hoạch bố trí dân cư, chi tiết hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai, đẩy mạnh việc xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ quốc phòng - an ninh và phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu thực tế và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ.
- Về vấn đề cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 đã quy định về các hoạt động phòng, chống thiên tai, trong đó có hoạt động ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng ta có Ban Chỉ đạo về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn; Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, Quân đội và Công an là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn... Tuy nhiên, bên cạnh phương châm “bốn tại chỗ” mà lâu nay chúng ta đã và đang thực hiện, thì công tác cứu nạn, cứu hộ vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời và hiệu quả trong tình hình hiện nay. Cử tri rất băn khoăn và cho rằng điều kiện về cứu nạn, cứu hộ hiện nay vẫn rất hạn chế, để khắc phục hậu quả của thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn cả nước, đề nghị xem xét và thành lập một lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập (ở các khu vực) và mang tính chuyên nghiệp (nên giao cho lực lượng Quân đội nhân dân làm nòng cốt gắn với việc đầu tư các phương tiện, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại) để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời và có hiệu quả cho việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn về lâu dài, tạo sự an tâm và niềm tin cho Nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đã có ý kiến tranh luận, khẳng định với sự quản lý, điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội thì phát triển thủy điện trọng điểm và thủy điện nhỏ dọc các trục sông lớn đã mang lại hiệu quả thiết thực; những hạn chế, tồn tại thuộc về trách nhiệm của một số ít nhà đầu tư, không phải là tất cả và không có tính phổ biến.
NGÔ KIỂM