Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn khá cao với 72,43%, nên những năm qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn khá cao với 72,43%, nên những năm qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ban hành nhiều nghị quyết và thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo nhanh và bền vững, các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các nghị quyết, chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả rõ nét đối với sự phát triển của địa phương.
|
Cán bộ, đảng viên huyện Đam Rông luôn xem việc chăm lo đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số, người có đạo là nhiệm vụ then chốt |
Một trong những thành quả lớn nhất từ sự quan tâm ấy là bộ mặt nông thôn của Đam Rông đã có nhiều đổi mới và khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 12,06%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên 84,50%, giảm xuống còn gần 20,70% và có 2 xã Đạ R’Sal, Rô Men đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có bước chuyển biến mạnh mẽ và khá toàn diện trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Toàn Đảng bộ có 39 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 1.713 đảng viên; trong đó: có 594 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 34,7%), 492 đảng viên là người có đạo (chiếm 28,7%), đảng viên cốt cán trong các tôn giáo có 17 đồng chí; 323 cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó có 23 cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở.
Phương thức lãnh đạo từng bước được đổi mới, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở từng bước được trưởng thành, đến nay đã tạo được nguồn cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ kế cận có chất lượng tốt, nhiều đồng chí được quy hoạch và được bố trí vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện và cơ sở.
Công tác vận động quần chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đã được quan tâm đúng mức, phát huy được vai trò già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo; hàng năm, huyện đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, thăm hỏi động viên chúc mừng các ngày lễ quan trọng của các dân tộc thiểu số và tôn giáo, đã phát phát huy được vai trò của đại diện các dân tộc thiểu số, tôn giáo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy, bên cạnh những kết quả đạt được địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực này: “Một số tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và lĩnh vực dân tộc, tôn giáo nói riêng. Một số chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện còn dàn trải, cào bằng, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vùng dân tộc thiểu số nhìn chung còn yếu, hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Thêm một vấn đề nan giải nữa, đó là tình trạng tranh chấp đất đai, đòi về “làng cũ”, vấn đề di dân tự do còn khá phổ biến; ngoài ra, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để kích động, lôi kéo bà con dân tộc thiểu số, tôn giáo; hoạt động của các tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp... Đây là những thách thức không nhỏ đối với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và cũng là những vấn đề cần được tập trung, quan tâm giải quyết của cấp ủy, chính quyền, các ngành và của cả hệ thống chính trị của địa phương thời gian qua.
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đam Rông luôn xác định thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo, xem đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh tại địa phương trong giai đoạn 2020 - 2025. Từ đó, nâng cao vai trò của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác đặc biệt quan trọng này.
Trong suốt những năm vừa qua, mỗi cấp ủy, đồng chí đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện luôn xác định yêu cầu chăm lo đời sống, bảo đảm sự ổn định, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, xuyên suốt của địa phương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn sâu sát, kiên trì, lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, giúp người dân và đồng bào có đạo hiểu rõ, tin tưởng, chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, từ đó tự giác thực hiện.
Việc chăm lo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Huyện ủy xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn lực của địa phương để giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống người dân được lồng ghép phù hợp. Việc đầu tư hợp lý nguồn vốn cho sản xuất, phân bổ các nguồn đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kém hiệu quả; nhân rộng các mô hình, chương trình sản xuất nông nghiệp đang phát huy hiệu quả; đồng thời, thực hiện nhanh việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của người dân địa phương.
Sự vào cuộc của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo đã từng bước làm thay đổi căn bản ý thức, tập tục sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt, chủ động vươn lên trong Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Huyện ủy Đam Rông, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần phải quan tâm thường xuyên tới xây dựng thực hiện hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh - bền vững. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện mạnh mẽ việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại, bố trí cán bộ người Kinh đan xen với cán bộ dân tộc thiểu số để học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, nhất là hệ thống chính trị ở thôn, gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và vai trò lãnh đạo của chi bộ tại thôn. Từng bước nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ là trưởng thôn hoặc trưởng ban công tác Mặt trận thôn, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của chi bộ thôn. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các linh mục, chức sắc, chức việc trong việc vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dưng hệ thống chính trị vững mạnh.
ĐĂNG LỘ