Những giá trị bền vững từ Tuyên ngôn của đảng cộng sản

07:11, 28/11/2020

(LĐ online) - Tháng 2 năm 1848, C. Mác và Ăngghen đã công bố Tuyên ngôn của đảng cộng sản, một tác phẩm kinh điển bất hủ đánh dấu sự ra đời của Học thuyết Mác. Chủ nghĩa Mác chính là một học thuyết lý luận khoa học và chặt chẽ, cung cấp thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận hoàn chỉnh trong nhận thức và cải tạo xã hội.

(LĐ online) - Tháng 2 năm 1848, C. Mác và Ăngghen đã công bố Tuyên ngôn của đảng cộng sản, một tác phẩm kinh điển bất hủ đánh dấu sự ra đời của Học thuyết Mác. Chủ nghĩa Mác chính là một học thuyết lý luận khoa học và chặt chẽ, cung cấp thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận hoàn chỉnh trong nhận thức và cải tạo xã hội.
 
Các Mác và Ăngghen - Ảnh: Tư liệu
Các Mác và Ăngghen - Ảnh: Tư liệu
 
Quan hệ sản xuất (QHSX) tư bản chủ nghĩa (TBCN) ra đời trong thế kỷ XVI. Sang thế kỷ XVIII, những điều kiện vật chất để chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyển từ công trường thủ công sang nền đại cơ khí đã dần hình thành. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh vào nửa sau thế kỷ XVIII và châu Âu sau đó, QHSX và lực lượng sản xuất (LLSX) đã có những chuyển biến căn bản. LLSX ngày càng mang tính xã hội hóa cao, do đó ngày càng mâu thuẫn gay gắt với QHSX thông qua những cuộc khủng hoảng thừa, đẩy hàng loạt công nhân vào tình trạng thất nghiệp. Giai cấp công nhân bị bóc lột, bần cùng hóa và không ngừng đấu tranh để sinh tồn. Một đòi hỏi bức thiết lúc bấy giờ trong phong trào cách mạng thế giới là phải có một hệ thống lý luận soi đường và một cương lĩnh chính trị làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đại hội II của Đồng minh những người Cộng sản được tổ chức từ ngày 29/11 đến 8/12/1847 đã trao trách nhiệm cho C. Mác và Ăngghen soạn thảo cương lĩnh của Đồng Minh. Cương lĩnh đó chính là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
 
Vào ngày 24/02/1848, Tuyên ngôn của đảng cộng sản đã chính thức được công bố tại London. Lúc đầu nó chỉ được in với số lượng khoảng 100 bản. Thế nhưng, bản tuyên ngôn đã làm rung chuyển cả giai cấp tư sản đang làm mưa, làm gió thống trị thế giới khi ấy. Chỉ vài tuần sau, tác phẩm đã được tái bản với số lượng 1.000 bản.Sau đó tiếp tục được in đi, in lại nhiều lần bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan…với số lượng lên tới hàng triệu bản. Ngay từ năm 1888, Ăngghen đã nhận định đây là “một tác phẩm phổ biến nhất, có tính chất quốc tế nhất trong toàn bộ sách báo xã hội chủ nghĩa, là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân từ Xiberi đến Caliphonia” 1. Lênin đã đánh giá về Tuyên ngôn “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng nhiều bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh” 2 .
 
Tuyên ngôn đã trình bày một cách sáng tỏ cơ sở lý luận, thế giới quan, cương lĩnh và sách lược của giai cấp vô sản; nêu rõ vai trò của giai cấp vô sản, vạch ra sự tất yếu của cách mạng vô sản. Hai ông cũng nêu rõ sách lược của đảng cộng sản, phê phán những trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động, bảo thủ và không tưởng, đập tan những lời lẽ vu khống của giai cấp tư sản đối với những người vô sản. Tuyên ngôn khẳng định trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản (GCVS) là giai cấp cách mạng nhất, kiên quyết nhất, triệt để nhất, có khả năng lật đổ CNTB, xây dựng xã hội mới. “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: Tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền 3”. Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản là sự nghiệp của chính giai cấp vô sản (GCVS). GCVS chỉ có thể đạt mục đích bằng con đường đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực cách mạng để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, bởi trong cuộc cách mạng ấy, những người cộng sản nếu mất chỉ là mất xiềng xích và được cả thế giới. Trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, GCVS cần phải thiết lập được chính đảng của mình; sự ra đời của đảng cộng sản là tất yếu để đảm bảo cho GCVS hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tuyên ngôn đã chỉ rõ con đường phát huy sức mạnh của đảng cộng sản trước hết là giữ vững và củng cố mối liên hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Tuyên ngôn đã đưa ra một nhận xét sắc bén và đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau 4. Tuyên ngôn đồng thời chỉ rõ trách nhiệm nặng nề mà giai cấp công nhân (GCCN) và những người lao động phải thực hiện sau khi giành được chính quyền là từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên mọi lĩnh vực vì quyền lợi của nhân dân lao động. GCVS chỉ tự giải phóng được bản thân khi đồng thời giải phóng toàn thể những người lao động. Nguyên tắc sách lược chung của đảng cộng sản là ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống chế độ đương thời và tập hợp các lực lượng dân chủ, nhưng những người cộng sản phải luôn giữ vững tính độc lập của giai cấp mình. Sự nghiệp giải phóng GCVS chỉ thực hiện được trong điều kiện GCVS các nước phải liên hiệp lại với lời kêu gọi “Vô sản các nước đoàn kết lại”.
 
Tuyên ngôn của đảng cộng sản có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đối với nhân loại, trở thành bản cương lĩnh chính trị đầu tiên, bản khai sinh của chủ nghĩa cộng sản. Tuyên ngôn thể hiện cô đọng những bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác, do đó, đây là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, tổng hợp tất cả những kiến thức mới mẻ và đúng đắn mà hai ông đã tích lũy. Nhờ đó, hai ông đã phân tích sâu sắc chính xác quá khứ, hiện tại, tương lai của xã hội loài người. Khi tổng kết nguồn gốc của học thuyết Mác, Lênin đã khẳng định: “Tác phẩm này trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản 5”.
 
Từ “bóng ma ám ảnh” châu Âu, GCCN và lao động quốc tế đã bước lên vũ đài chính trị khẳng định sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình trong Công xã Paris (1871). Họ đã tạo nên cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại làm rung chuyển thế giới, mở ra thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới và dần trở thành một hệ thống vững chắc trên thế giới, có tác dụng cổ vũ, giúp đỡ, động viên các quốc gia thuộc địa đứng lên đấu trang giành lại độc lập cho mình…Điều ấy đã khẳng định chân lý và sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác.
 
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ đã dẫn tới nhiều luồng ý kiến, tư tưởng khác nhau của những người chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội. Đặc điểm chung của các luận điểm này cho rằng sự ra đời Tuyên ngôn của đảng cộng sản là một tai họa của loài người, rằng Tuyên ngôn của đảng cộng sản gây nên các cuộc đấu tranh giai cấp, rằng CNXH ở Liên Xô và Đông Ấu sụp đổ chứng tỏ rằng những gì Tuyên ngôn của đảng cộng sản đã vạch ra và các đảng cộng sản đi theo, thực hiện theo, áp dụng là sai lầm, rằng “du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm, là nguyên nhân “đưa đất nước vào vòng tối tăm, trì trệ, đổ vỡ, nhục nhã, đau đớn?! 6”. Đã có nhiều luồng ý kiến của các học giả tư sản lên tiếng về sự diệt vong của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Có người còn cho rằng CNTB là “sự cáo chung của lịch sử” và nhân loại văn minh sẽ dừng lại với CBTB. Trong cuốn sách “sự cáo chung của lịch sử”, Francis Fukuyama  cho rằng “…lịch sử đã “cáo chung” theo nghĩa rằng “đó là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người” bởi các hệ tư tưởng cạnh tranh, điển hình là chủ nghĩa Mác - Lênin, đã bị đánh bại 7”. Tuy nhiên, ngay khi tác phẩm này vừa ra đời thì một nhà triết học phi Mácxít ở Pháp là Jacques Derrida đã cho ra đời cuốn “Những bóng ma của Mác” để “vạch trần 10 thảm họa của xã hội tư bản hiện đại và khẳng định: Chủ nghĩa Mác vẫn sống, vẫn còn là vấn đề triết học, lịch sử, hiển hiện và nghiêm túc 8”.
 
Trong thực tế hiện nay, mặc dù phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phải gánh chịu tổn thất vô cùng to lớn bởi sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu cũng như đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Song rõ ràng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế - một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. CNXH vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Chủ nghĩa tư bản dã man mà Mác và Ănghen miêu tả gần như đã bị diệt vong ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Nhiều nước tư bản chủ nghĩa hiện nay đã có nhiều các giá trị tiệm tiến gần với CNXH. Thế giới mặc dù đã bước sang 20 năm của thế kỷ XXI, nhưng rất nhiều những bất cập vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trong bối cảnh ấy, rất nhiều các học giả lại tìm về với Mác. Những tác phẩm của Mác, nhất là bộ Tư bản vẫn được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, vẫn có rất nhiều người tìm đọc. Có rất nhiều những vấn đề mà CNTB vẫn không thể giải quyết. Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Mác và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra nó. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác đã được tổ chức tại Pari quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới; các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại 9”. Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Jacques Derrida trong tác phẩm Những bóng ma của Mác đã khẳng định “Không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác…Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”. Một nhà khoa học Mỹ, người được giải thưởng Nobel về kinh tế đã từng phát biểu: "Mác là một nhân vật quá lớn để chúng tôi không thể để dành riêng Mác cho những người cộng sản 10”.
 
Trong một tác phẩm xuất bản gần đây với tựa đề Tại sao Mác đúng, T.Eagleton - giáo sư Đại học Tổng hợp Lancaste ở Anh đã chứng minh sự phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù chủ nghĩa tư bản có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền, “toàn cầu hóa”, v.v...đã được Mác nhìn thấy trước trong các phê phán của mình. Trong tác phẩm này T.Eagleton cũng đồng thời vạch rõ, CNTB dù có lúc đạt được hiệu quả nhưng nó đã làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, “là vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại. Tức là con đường TBCN đang đi cũng là đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này 11”.
 
Sở dĩ Tuyên ngôn của đảng cộng sản có sức sống lâu bền và giá trị to lớn bởi nội dung của nó mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc. Những người sáng lập chủ nghĩa Mác - bằng thiên tài của mình đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để luận giải một cách khoa học về quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặc biệt là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; về vị trí và ý nghĩa quan trọng của sản xuất vật chất cũng như vai trò của kiến trúc thượng tầng; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp. Lênin đã khẳng định “Tuyên ngôn trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là một giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản ”.
 
Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế mặc dù hiện đang đứng trước những thử thách nặng nề, nhưng nhìn toàn cục của sự phát triển LLSX vẫn đang bị những tiền đề khách quan để GCCN thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Cho nên, luận điểm của Mác và Ăngghen về nền công nghiệp lớn hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất và xã hội để thủ tiêu chế độ người bóc lột người vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù thay đổi và điều chỉnh, song bản chất bóc lột của CNTB vẫn không thay đổi, khi nào những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại, thì khi ấy chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên giá trị và vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho hoạt động của con người vì sự tiến bộ của nhân loại.
 
1C.Mác-Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1970, tập 2, trang 514.
 
2V.L.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Matxcơva, Matxcơva. 1974, tập 2, trang 10.
 
3Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1976.
 
4Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1976.
 
5V.L.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Matxcơva, Matxcơva. 1974, tập 25, trang 57.
 
6Nguyễn Phú Trọng: “Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, in trong sách Vững bước trên con đường đã chọn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 10 
 
7http://nghiencuuquocte.org/2013/07/28/38-su-cao-chung-cua-lich-su/
 
8Bùi Minh Thắng: “về những quan điểm sai trái đối với định hướng xã hội chủ nghĩa”, in trong sách Vững bước trên con đường đã chọn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 170
 
9Thế Nguyễn (2013): “Vẫn tin một mùa xuân phía trước”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ website: http://dangcongsan.vn/tieu-diem/van-tin-mot-mua-xuan-phia-truoc-166651.html, truy cập ngày 17/01/2020.
 
10Hoàng Chí Bảo (chủ biên): Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội. 2013, trang 292.
 
11T.Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội. 2014, trang 19-21.
 
HỒNG PHÚC