Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm người thầy

06:11, 20/11/2020

Đất nước ta đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của thầy giáo, cô giáo (gọi chung thầy giáo) càng quan trọng và theo đó yêu cầu đặt ra cũng ngày càng cao hơn...

Đất nước ta đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của thầy giáo, cô giáo (gọi chung thầy giáo) càng quan trọng và theo đó yêu cầu đặt ra cũng ngày càng cao hơn. Vì vậy, mỗi thầy giáo cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện trở thành người giáo viên vừa “hồng” vừa “chuyên”.
 
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục. Trong ảnh: Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: Tư liệu
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục. Trong ảnh: Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: Tư liệu
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của người thầy giáo đối với xã hội; bởi theo Bác, “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
 
Sở dĩ Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”, “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, để có thầy giỏi thì rồi sẽ có trò giỏi.
 
Nói về đạo đức thầy giáo, trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. Theo Bác, đạo đức của người giáo viên bao gồm những phẩm chất rất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức thầy giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Ngoài ra, theo Hồ Chí Minh, đạo đức thầy giáo yêu nghề, yêu trường thôi chưa đủ mà còn phải yêu chủ nghĩa xã hội, bởi đó là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới.
 
Về trí tuệ và tài năng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đòi hỏi người thầy giáo phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích luỹ kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Từ đó, Người khuyên mọi người thực hiện theo lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” và lấy phương châm “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Bác còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”.
 
Ngoài tiêu chuẩn về đức và tài, Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến phương pháp nêu gương của người thầy giáo, bởi: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, nhất là tấm gương của nhà giáo sẽ có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. 
 
Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. 
 
Người thường dặn dò các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,... Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ, người thầy giáo dạy học trò về những điều tốt đẹp và có ý thức gương mẫu trong việc thực hiện những điều tốt đẹp đó, nghĩa là người thầy đang xây dựng và không ngừng hoàn thiện đạo đức cho mình. 
 
Soi vào tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy giáo, chúng ta nhận thấy rằng, hiện nay mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tuyệt đại bộ phận nhà giáo đều có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tận tâm với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên trì vượt qua khó khăn thử thách, luôn xứng đáng là “một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiêu biểu rất đáng tự hào, đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” (Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo). Đó là những điều trái với truyền thống của nhà giáo Việt Nam, trái với đạo đức, thiên chức và danh vị cao quý mà Nhân dân đã giành cho nhà giáo. 
 
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, thiết nghĩ cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:
 
(I) Coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của mình trong việc giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước; thấy rõ bổn phận, trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy danh dự và truyền thống tốt đẹp của nhà giáo cũng như của nghề dạy học cao quý… Từ đó, khơi dậy lương tâm, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.
 
(II) Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực toàn diện, có kiến thức chuyên môn sâu; kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt, khả năng tư duy khoa học sáng tạo, biết gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội; có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, sâu sát, tận tình với học trò…, từ đó, tạo nên giá trị chân chính của nhà giáo. 
 
(III) Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện để các nhà giáo khẳng định mình trong thực tiễn. Môi trường sư phạm tốt là nơi tạo ra tình cảm thân thiết, khơi dậy khả năng lao động sáng tạo của thầy và trò, làm cho các nhà giáo thêm yêu quý, gắn bó, tâm huyết với nghề, với học sinh. 
 
(IV) Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách cụ thể, thiết thực, sáng tạo; gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
 
(V) Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo cần chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi cả vật chất và tinh thần để họ yên tâm làm việc và cống hiến. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận và sự tham gia của toàn xã hội trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương. 
 
Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức, đủ tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng đắn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực của đội ngũ nhà giáo càng trở nên ý nghĩa và cấp thiết hơn bao giờ hết. 
 
LINH NHÂN