(LĐ online) - Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết luôn là cội nguồn sức mạnh bảo đảm mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Để phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, ngày 18/11/81930,...
(LĐ online) - Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết luôn là cội nguồn sức mạnh bảo đảm mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Để phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, ngày 18/11/81930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Trải qua chặng đường 90 năm hình thành và phát triển, MTTQVN luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả trong vai trò đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng.
Trước hết, sự ra đời và không ngừng phát triển của MTTQVN là kết quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta, Người nhận thức rõ sức mạnh đoàn kết của toàn dân phải bắt đầu từ dân, có dân thì có tất cả. Ngay từ đầu của sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng, toàn dân đồng tâm, hiệp lực thì nhất định chiến thắng”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn coi trọng và đề cao tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là cội nguồn của sức mạnh, đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ lý luận và thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết thành một chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đoàn kết luôn gắn liền với thắng lợi và để phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân cần phải chăm lo xây dựng tổ chức MTTQVN, Người đã từng khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Chính vì vậy trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn còn để lại những lời căn dặn hết sức sâu sắc: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác (Di chúc).
Thứ hai, trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQVN luôn đóng vai trò quan trọng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, để động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền, các hình thức tổ chức của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt minh-1941) đã thực hiện nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám – 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951) tiếp tục vận động, tập hợp, đoàn kết các lực lực tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “chấn động địa cầu”, đi đến Hiệp định Giơ ne vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Từ năm 1954 đến 1975, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ, xâm chiếm miền Nam, đất nước tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977) đã cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) tiếp tục đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN - làm hậu phương vững chắc, tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH. Từ khi đất nước thống nhất, MTTQVN luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “MTTQVN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...”.
Thứ ba, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, MTTQVN đã không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất - kinh doanh, học tập, công tác; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới. Vai trò của MTTQVN tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Ðường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo nên sức mạnh to lớn để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ tư, phát huy truyền thống dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta luôn xác định trách nhiệm lớn lao là phải kế thừa, phát huy và không ngừng phát triển truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và coi đây là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và bài học lớn của cách mạng nước ta”; Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua (tháng 1-2011) đã tổng kết 5 bài học lớn của cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học về đoàn kết. Chủ đề Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng gần đây luôn đưa thành tố “Đoàn kết” đặt lên đầu... Từ đó, góp phần không ngừng xây dựng Mặt trận Tổ quốc lớn mạnh, đủ uy tín và khả năng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch có âm mưu và hành động phá hoại sự đoàn kết; củng cố, tăng cường hơn nữa sự thống nhất trong Đảng, đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với Nhân dân và đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước, tạo thành một khối thống nhất vững chắc để tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và bền vững.
Thứ năm, nhiệm vụ của MTTQVN trong giai đoạn mới là: (i) Tiếp tục thực hiện chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội…
(ii) Tổ chức thiết thực, hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư; chú trọng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực. Trong đó, cần chú ý tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong tiến trình phát triển của cách mạnh Việt Nam; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong giai đoạn cách mạng hiện nay; kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, … Đồng thời tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong năm; phát huy tình cảm nhớ về cội nguồn của con em xa quê để mọi người hướng về gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước…
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập MTTQVN và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang của MTTQVN, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc và tin tưởng hơn về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong giai đoạn mới; từ đó không ngừng linh hoạt, sáng tạo, ra sức xây dựng MTTQVN ngày càng lớn mạnh đủ uy tín và khả năng đoàn kết, tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
VĂN NHÂN