Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV |
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành các yêu cầu đã được Quốc hội đề ra, cũng như những giải pháp tập trung vào 9 nhóm vấn đề.
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, nghiên cứu sớm trình Quốc hội ban hành các Luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013; đồng thời, rà soát để trình Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn; triển khai nghiêm túc, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Rà soát, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.
2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới nền công chức, công vụ; tập trung xây dựng chính phủ điện tử, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa liên thông, thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tập trung xây dựng các nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và ban hành chiến lược chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, tăng cường kết nối, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu.
Tiếp tục triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, có giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề biên chế của ngành giáo dục và y tế phù hợp với từng vùng, miền, trong đó cần sớm ban hành nghị định về vị trí việc làm, tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát sửa đổi chế độ phụ cấp, xây dựng chương trình bồi dưỡng cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở bảo đảm hợp lý.
3. Tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung nguồn lực, nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động nguồn lực để thực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết của Quốc hội; đầu tư nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai, tu bổ xử lý đê xung yếu, kè sông biên giới; bố trí đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi. Có các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách an toàn trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid 19 và ảnh hưởng của thiên tai; tăng cường công tác quản lý thu thuế, xử lý nợ thuế; nâng cao hiệu quả chi ngân sách; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ bảo đảm công khai, minh bạch.
4. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, công tác quản lý nhà chung cư. Chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng đô thị, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”, bảo đảm quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà.
Rà soát việc thành lập các hãng hàng không, xã hội hóa cảng hàng không; tập trung triển khai, đưa vào vận hành các dự án giao thông trọng điểm tại các thành phố lớn và có tính chất liên vùng; tiếp tục rà soát hệ thống thu phí BOT.
Triển khai Chiến lược về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó phải quan tâm đến việc cân đối nguồn cung - cầu năng lượng. Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để triển khai thực hiện trong năm 2021; hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới quốc gia tới các thôn, bản, hải đảo trong giai đoạn 2021-2025; Nâng cao vai trò của lực lượng quản lý thị trường và tập trung phối hợp giữa các lực lượng để đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Sớm có cơ chế phối hợp để quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử.
5. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, quy hoạch báo chí và hoạt động báo chí theo quy định đúng của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng 4.0 bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; khuyến khích phát triển các mạng xã hội trong nước, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh trên môi trường mạng; xử lý nghiêm việc đăng tin sai trên môi trường mạng; Sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa; bảo tồn văn hóa truyền thống. Năm 2021, ban hành văn bản hướng dẫn Luật du lịch về mô hình quản lý khu du lịch, khu di tích; đẩy mạnh du lịch nội địa an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid 19, có giải pháp phù hợp để bảo đảm du lịch phát triển bền vững sau đại dịch.
Rà soát việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý, cơ quan chủ sở hữu đối với các trường đại học; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa; giảm tải cho giáo viên và học sinh; sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc dạy văn hóa trong các trường nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên; triển khai chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch, chương trình đã được phê duyệt phù hợp với yêu cầu thực tiễn, áp dụng các mô hình mới để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với giải quyết việc làm; phấn đấu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ cao trong ASEAN
6. Chủ động, tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid 19; khẩn trương đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Việt Nam bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, chất lượng, an toàn; tham gia hiệu quả chương trình vắc xin của thế giới trong phòng chống dịch bệnh; tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý, kiểm soát giá thuốc.
Rà soát, hoàn thiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách lương hưu của người về hưu trước năm 1993. Tập trung hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ, vùng bị thiên tai sớm ổn định cuộc sống; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng lực lượng và thiết bị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, điều phối trong phòng chống thiên tai và ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường trong việc thực hiện các dự án kinh tế - xã hội; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế phù hợp trong việc thu gom và xử lý rác thải; tập trung sử lý nguồn thải, nhất là nước thải sinh hoạt ra các dòng sông; sử dụng các biện pháp, công cụ kinh tế, kỹ thuật phù hợp để quản lý môi trường. Rà soát công tác quản lý đất đai, việc khai thác tài nguyên, thiên nhiên; có các giải pháp để bảm đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm nước ngọt trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặt, nhất là ở vùng núi và đồng bằng Sông Cửu long.
Nâng cao năng lực bảo vệ phát triển rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, hạn chế thấp nhấp việc chuyển mục đích diện tích rừng tự nhiên, phục hồi chất lượng rừng tự nhiên; có các chương trình riêng để phục hồi diện tích rừng tại khác khu vực trọng điểm Tây nguyên, Tây bắc và ven biển; cải thiện cơ cấu rừng trồng, gắn với đặc thù của từng vùng nhằm tăng giá trị, độ bền vững của rừng trồng, nâng diện tích rừng trồng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý tốt việc di dân tự do.
8. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới; áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phát triển hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết với doanh nghiệp và người làm nông nghiệp; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, tập trung nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng dịch; áp dụng mô hình, công nghệ chăn nuôi sử dụng chế phẩm an toàn sinh học; xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín; tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức hệ thống làm công tác thú y ở cơ sở.Triển khai hiệu quả các chương trình quốc gia về giống vật nuôi, cây trồng đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với biến đổi khí hậu. Kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thân thiện với môi trường. Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng nghề cá, hạ tầng thủy sản; chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản để tháo gỡ Thẻ vàng của Châu Âu. Cải thiện và nâng cao chất lượng các mặt hàng có thế mạnh, lợi thế; nâng cao năng suất sản xuất, tổ chức lại thị trường, chú trọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.
9. Tiếp tục triển khai cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; nâng cao chất lượng, số lượng xử lý đơn giám đốc thẩm; xây dựng và ban hành cơ chế thi hành án hành chính, đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; có các giải pháp để xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là vi phạm về ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp.
|