''Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc''

06:12, 15/12/2020

Những năm qua, việc tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trên mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là trong công tác dân tộc cũng được quan tâm thực hiện...

Những năm qua, việc tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trên mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là trong công tác dân tộc cũng được quan tâm thực hiện. Qua đó, thay đổi nhận thức, hành động, tạo nên nhiều mô hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất có hiệu quả. 
 
Quan tâm động viên, hỗ trợ, tặng quà đồng bào khó khăn vùng DTTS luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh quan tâm
Quan tâm động viên, hỗ trợ, tặng quà đồng bào khó khăn vùng DTTS luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh quan tâm
 
Qua triển khai, thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8/10/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”; nhìn chung công tác dân tộc trong hệ thống Mặt trận các cấp có bước chuyển biến tích cực. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được MTTQ các cấp từ tỉnh đến khu dân cư đẩy mạnh tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, từ đó góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của bà con DTTS.
 
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ các cấp triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con DTTS từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm mạnh, tỷ lệ hộ giàu, hộ khá ngày càng tăng. Công tác xây dựng, phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm.
 
MTTQ tỉnh đã chọn xã Gung Ré, huyện Di Linh để triển khai chỉ đạo điểm của tỉnh về thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác dân tộc. Sau khi triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như tại thôn K’Long Trao 1 - thôn được chọn xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông”. Sau khi xây dựng mô hình, nhìn chung, nhận thức, hành động của bà con trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự được nâng lên rõ rệt. Bà con đã chủ động, tích cực tham gia thu dọn rác thải, nạo vét kênh mương, vệ sinh đường làng, ngõ xóm do Ban Công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp phát động. Cuối năm 2018 đã có 135 hộ/223 gia đình đóng phí môi trường, tăng 63 hộ, có 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đường làng ngõ xóm định kỳ được vệ sinh sạch sẽ; có 92% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tăng 55% so với trước khi xây dựng mô hình); 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề đảm bảo về môi trường; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Tại thôn Lăng Kú xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông”. Hiện nay trên địa bàn thôn không có tệ nạn xã hội như hút chích, cờ bạc, ma túy, mại dâm, không còn xảy ra mất cắp, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp. 100% các hộ gia đình đều ký cam kết “Gia đình bảo đảm an toàn giao thông”. Tình hình kinh tế đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên, mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 27,5 triệu đồng/người/năm (2018) tăng lên 29 triệu đồng/người/năm (2019), hộ nghèo từ 12 hộ giảm xuống còn 10 hộ.
 
Thôn Hàng Làng với mô hình “Khu dân cư thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Đến nay, nhận thức của bà con trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sự chuyển biến tích cực. 100% các cặp đôi đều đăng ký kết hôn, không lấy nhau cận huyết thống, không còn trường hợp tảo hôn, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình.
 
Qua tuyên truyền, vận động, các khu dân cư đã thực hiện tốt và có nhiều mô hình tiêu biểu, tích cực, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là các mô hình: “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giữ gìn an ninh trật tự” thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà; “Cồng chiêng” tại xã Đạ K’Nàng, Đạ Tông, huyện Đam Rông; “Không thách cưới” tại xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông; “Dệt thổ cẩm” ở buôn Soven, phường Blao và thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc; “Không uống rượu” của thôn Naosri, thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc; “Khu dân cư tự quản” ở thôn Krái 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương; “Tuyến đường an toàn giao thông” thôn Diom - xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp” thôn Đa Ra Hoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng; “Vận động Nhân dân tự góp vốn làm 500 m đường” ở Thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh…
 
Được biết, thời gian qua, MTTQ tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền cho trên 859 lượt cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp, ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các vị già làng, nhân sỹ, trí thức, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Đam Rông, Bảo Lâm tổ chức tuyên truyền vận động bà con chăm lo lao động sản xuất, không phá rừng làm rẫy trái phép, thực hiện tốt các hợp đồng giao khoán và bảo vệ rừng.
 
Trao đổi về việc thực hiện đổi mới công tác Mặt trận trong vùng đồng bào DTTS, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bon Yo Soan cho biết: Nội dung tuyên truyền về công tác dân tộc cụ thể, thiết thực như: phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; kết quả thực hiện các quyết định, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về chính sách dân tộc và công tác dân tộc; “Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946”, “Quyết tâm thư” Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng năm 2006; Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2019. Cùng đó là các nội dung: Kết luận 01/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch, Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8/10/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “ Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch 42/KH-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh… Đồng thời, phát huy vai trò của người uy tín tiêu biểu, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là Nhân dân vùng đồng bào DTTS chấp hành các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.
 
Phong trào đóng góp giúp đỡ các hộ nghèo, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, qua đó đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân, tương ái”; ngày càng xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng hảo tâm của các tập thể, cá nhân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã dành cho người nghèo bằng những tình cảm hết sức quý báu, thông qua các hình thức hỗ trợ như: Tiền, ngày công, vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, vật tư làm nhà ở… Từ đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm đáng kể. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 1,85%, tương đương với 3.000 hộ đã thoát nghèo, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng đồng bào DTTS giảm còn 6,5%, tương đương với 1.500 hộ, giảm 2% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đến nay đạt 32.766.000 đồng/người/năm (năm 2015 thu nhập bình quân đạt 20.079.000 đồng/người/năm.
 
NGUYỆT THU