(LĐ online) - Sáng 1/12, tại Hội trường Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã diễn ra Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (Khoá XI) bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2020, nhiệm vụ giải pháp năm 2021...
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt
|
Thường trực Tỉnh uỷ điều hành hội nghị |
(LĐ online) - Sáng 1/12, tại Hội trường Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã diễn ra Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (Khoá XI) bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2020, nhiệm vụ giải pháp năm 2021; Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ khoá XI; Quy chế làm việc của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ; Chương trình công tác của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XI và năm 2021; công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XI và năm 2021; báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý, điều hành ngân sách Đảng…
Các đồng chí Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị.
|
Bí Thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận kết luận hội nghị |
Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh đến tình hình KT-XH; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; sản xuất kinh doanh đình trệ nhưng toàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, kinh tế của tỉnh vẫn có tốc độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp giữ mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, đạt mục tiêu Lâm Đồng có 10.000 doanh nghiệp; thu hút đầu tư tăng về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh; việc phát triển văn hóa con người Việt Nam tiếp tục được chỉ đạo thực hiện và có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, tương thân tương ái, được phát huy thể hiện rõ nét trong công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ....; an sinh xã hội được bảo đảm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm; triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả ba tiêu chí.
Tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá SS 2010) tăng 3,15% (KH 8,5 - 9%); trong đó: khu vực nông lâm thủy tăng 4,4% (KH 5 - 5,2%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,7% (KH 11,2 - 11,5%); khu vực dịch vụ tăng 1,4% (KH 10,1 - 10,5%).
GRDP bình quân đầu người đạt 71,2 triệu đồng (KH 73 - 75 triệu đồng). Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 36% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.810 tỷ đồng (KH 9.295 tỷ đồng), tăng 1,3% so cùng kỳ 2019, bằng 94,8% dự toán địa phương; trong đó, thu từ thuế, phí 5.200 tỷ (KH 5.985 tỷ đồng), bằng 99% so với cùng kỳ, đạt 86,9% dự toán địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu 708,5 triệu USD (KH 800 triệu USD), đạt 88,6% kế hoạch, giảm 1,6% so cùng kỳ. Khách du lịch đạt 4.000 ngàn lượt khách (KH 7,8 triệu khách), bằng 51% kế hoạch, giảm 44%; trong đó khách quốc tế 110 ngàn lượt khách (KH 580 ngàn lượt khách), đạt 19% kế hoạch, giảm 79,4%; khách qua đăng ký lưu trú 3.650 ngàn lượt người (KH 5.300 ngàn lượt), đạt 68,9% kế hoạch, giảm 24,7% so với năm 2019.
Hội nghị dưới sự điều hành của Thường trực Tỉnh uỷ đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2020, nhiệm vụ giải pháp năm 2021. Lắng nghe báo cáo, kiến nghị từ phía lãnh đạo các địa phương, sở ngành. Theo đó, về cơ bản, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở các địa phương năm 2020 cũng đều đạt. Tuy nhiên, nổi lên một vài vấn đề mà lãnh đạo một số địa phương, sở ngành trăn trở kiến nghị đó là vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, có ý kiến cho rằng hiện ở một số địa phương tình trạng “lâm tặc” đã giảm đáng kể nhưng lại xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp gia tăng và khó kiểm soát, Lãnh đạo các địa phương kiến nghị tỉnh cần sớm có các biện pháp chế tài xử lý thật nghiêm, đủ sức răn đe đối với vấn nạn này và với cả các chủ rừng để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng…
Các đại biểu cũng bàn thảo, góp ý vào quy trình bổ nhiệm cán bộ, quy chế làm việc, kế hoạch công tác của Tỉnh uỷ; xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính…
|
Phó Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số vấn đề nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhấn mạnh: Sau thành công của Đại hội Đảnh bộ tỉnh, mọi công việc triển khai phải hướng về chỉ tiêu đại hội đã đề ra. Các địa phương, ngành cần xây dựng kế hoạch, cơ chế phù hợp để thực hiện với quyết tâm cao nhất, trong đó đồng chí nhấn mạnh đến việc thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2021.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức quận khẳng định, năm 2020 là năm hết sức khó khăn, thiên tai, dịch bệnh tác động lớn, tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; nhưng với tinh thần quyết tâm cao, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự quyết tâm của các cấp các ngành và sự đồng thuận của người dân trong tỉnh nên đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ cũng đánh giá năm 2020 cũng còn tồn tại những hạn chế mà các cấp ngành địa phương cần lưu ý như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP không đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số công trình trọng điểm tuy nỗ lực nhưng còn chậm so với tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có chuyển biến khá tốt nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp, trong khi đó việc phát hiện, xử lý vi phạm còn chậm, chưa kiên quyết, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng một số vụ kéo dài, chưa xử lý dứt điểm. Hiệu lực quản lý nhà nước một số ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Đồng chí thẳng thắn nhìn nhận rằng: “Nguyên nhân này trước hết là thuộc trách nhiệm của các đồng chí trong BTV, BCH, các đồng chí cán bộ chủ chốt. Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế trên cũng cho thấy việc xử lý một số vấn đề trong thời gian qua chưa tốt. Một số nơi vẫn còn tình trạng dồn hết trách nhiệm cho cấp trên. Một số lãnh đạo địa phương, ngành vẫn chưa bám sát cơ sở.”. Đồng chí yêu cầu tất cả các vấn đề còn tồn tại ấy cần phải được BCH đánh giá nhìn nhận và khắc phục bằng tinh thần trách nhiệm cao.
Về nhiệm vụ năm 2021, Bí Thư Tỉnh uỷ yêu cầu tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh thực hiện các dự án công trình trọng điểm. Đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị - nông thôn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để cụ thể hóa, vận dụng sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đảm bảo hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép trong phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân; cùng với cả nước chủ động thực hiện các phương án phục hồi kinh tế…” – đồng chí Bí Thư nhấn mạnh.
Đồng chí Bí thư cũng đề nghị HĐND và UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm lần thứ 17; sớm giao kế hoạch cho các ngành, địa phương và chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy.
|
Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Đình Văn phát biểu tại hội nghị |
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đóng góp ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy hợp tác xuất khẩu rau hoa |
|
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo tỉnh phát biểu về vấn đề giáo dục |
NGUYỄN NGHĨA