(LĐ online) - Sáng 18/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.
(LĐ online) - Sáng 18/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.
|
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng tham gia hội nghị trực tuyến |
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp chủ trì; cùng tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan của tỉnh có liên quan.
Tại đây, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả thi hành Luật trong thời gian qua và tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung liên quan trong thời gian tới.
Qua hơn 7 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn. Nhờ đó, thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện. Hiện, có 40 văn bản từ Nghị định đến Thông tư, Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp được ban hành trong quá trình tổ chức thực hiện Luật giám định tư pháp.
Đến nay, cả nước có 143 tổ chức giám định tư pháp công lập, 197 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và 1 văn phòng giám định tư pháp; đồng thời, có 6.154 giám định viên tư pháp và 1.670 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể: Bổ sung 1 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định) và sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản, điểm khác với những nội dung cơ bản như sau: Phạm vi của giám định tư pháp; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; trưng cầu giám định tư pháp; thời hạn giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của TAND tối cao, Viện KSND tối cao đối với công tác giám định tư pháp.
Việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đặt ra theo kế hoạch gồm 9 nhóm nhiệm vụ: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao; củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng; phân công đơn vị làm đầu mối trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp ở từng lĩnh vực giám định; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng; đánh giá công tác giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý trong hoạt động giám định tư pháp.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng. Song song đó, tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
THÂN THU HIỀN