Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bắt đầu của thập kỷ mới và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025...
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bắt đầu của thập kỷ mới và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, yêu cầu đặt ra với các sở, ngành, địa phương là phải nỗ lực tạo khởi đầu mạnh mẽ, quyết liệt làm tiền đề triển khai các nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.
|
Quang cảnh trung tâm thành phố Đà Lạt |
Xác định năm 2021, kinh tế thế giới và trong nước vẫn sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh cũng đã bàn bạc và thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”; vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng. Trong đó, kiên trì thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững theo các Nghị quyết Trung ương khóa XII, XIII.
Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thông minh và thúc đẩy thực hiện hiệu quả Dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư. Chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, địa phương.
Tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển thương hiệu nông sản, nhất là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các nguyên liệu, sản phẩm đặc hữu, có lợi thế của địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm... theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Chủ động, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CP.TPP, EVFTA, RCEP...), để phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao, có lợi thế về nguyên liệu của địa phương; mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn có những dấu hiệu phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ, trong năm 2021, tỉnh cũng yêu cầu phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, trợ giúp phát triển mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ... Phát triển đội ngũ doanh nhân cả về chất lượng, số lượng, trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Phấn đấu tăng thêm 1.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 và đặc biệt là phải làm sao cải thiện và kêu gọi được các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Hạn chế phát triển các doanh nghiệp nhỏ.
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp yêu cầu các địa phương tập trung tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư các dự án, công trình cấp bách, bức xúc mà người dân địa phương là đối tượng trực tiếp hưởng lợi.
Tỉnh cũng đề ra mục tiêu tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet, tạo cơ sở cho bước chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm. Thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng đường cao tốc, hoàn thiện hệ thống đường vành đai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Đối với lĩnh vực du lịch, cuối năm 2020, du lịch Đà Lạt Lâm Đồng đang có dấu hiệu khôi phục sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Với đà phát triển này, trong năm 2021, tỉnh yêu cầu ngành du lịch, thành phố Đà Lạt tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực. Mở rộng không gian du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Thực hiện theo lộ trình, kế hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, mang tầm quốc gia và quốc tế, hướng tới phát triển du lịch thông minh.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, chú trọng quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các cấp, ngành địa phương cần tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để hoàn thành thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xứng đáng với nhiệm vụ và sự tín nhiệm của Đảng và Nhân dân, tại Hội nghị BCH Tỉnh ủy lần thứ 2, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận đề nghị từng thành viên BCH Đảng bộ cần nỗ lực lớn, thật sự nêu gương, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, không bè phái, cục bộ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động tại địa phương đạt kết quả tốt nhất.
NGUYỄN NGHĨA