Đam Rông: Bước chuyển mình trong công tác Đảng

01:01, 15/01/2021

Đam Rông là địa phương được thành lập sau cùng ở Lâm Đồng. Cùng với những vấn đề cấp bách đặt ra trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, việc xây dựng các tổ chức đảng, phát triển đảng viên là vấn đề đặc biệt quan trọng được địa phương này tập trung thực hiện.

Đam Rông là địa phương được thành lập sau cùng ở Lâm Đồng. Cùng với những vấn đề cấp bách đặt ra trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, việc xây dựng các tổ chức đảng, phát triển đảng viên là vấn đề đặc biệt quan trọng được địa phương này tập trung thực hiện.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông tặng giấy khen cho ba tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 03.
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông tặng giấy khen cho ba tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 03.
 
Đổi thay sau 5 năm
 
Từ năm 2015 trở về trước, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn huyện Đam Rông còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, phải kể đến việc sinh hoạt chi bộ còn nhiều hạn chế, nặng về phổ biến, quán triệt, vai trò lãnh đạo đối với các đoàn thể, ban nhân dân thôn chưa rõ nét. Thậm chí có chi bộ yếu kém, tê liệt, nhiều năm không phát triển được đảng viên, chỉ có 1 hoặc 2 đảng viên tại chỗ nên phải tăng cường đảng viên từ nơi khác về để thành lập chi bộ. Toàn huyện thời điểm đó còn có tới 49/102 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã chưa bền vững về số lượng (chưa đủ 5 đảng viên tại chỗ), khả năng “tái trắng, tái ghép” cao. Tỷ lệ đảng viên là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở xã, thôn còn rất thấp, chỉ đạt 16,3%. Công tác phát triển đảng viên có nơi còn giản đơn chạy theo số lượng, có nơi lại cầu toàn hoặc thành kiến khắt khe, chưa coi chất lượng chính trị, vai trò hạt nhân, tính tiền phong gương mẫu của người xin vào Đảng, nên nhiều quần chúng tích cực tiêu biểu bị bỏ sót, chưa được kết nạp vào Đảng…
 
Trước tình hình đó, Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Nghị quyết 03 - Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ. Nghị quyết được triển khai sâu rộng đến các tổ chức đảng, địa phương. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, định kỳ hàng tháng Thường trực Huyện ủy đều xuống thăm và làm việc với 1 đến 2 chi bộ thôn để động viên, khích lệ và hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động
 
Theo thống kê từ Ban Tổ chức Huyện ủy, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, toàn Đảng bộ huyện đã phát triển được 473 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên 1.686 đảng viên, chiếm 3% tỷ lệ dân số trên toàn huyện. Trong đó, việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể ở thôn, lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, dự bị động viên… được chú trọng. Đam Rông hiện có 61,2% trưởng thôn là đảng viên, 54,7% trưởng ban công tác mặt trận thôn là đảng viên, 24,3% dân quân tự vệ là đảng viên, 9,6% đảng viên trong lực lượng dự bị động viên…
 
Song song với công tác nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, huyện Đam Rông cũng chú trọng đến công tác củng cố xây dựng chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở vững mạnh, bền vững. Hiện nay, toàn huyện có 8 đảng bộ xã, với 1.197 đảng viên và 109 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã. Đặc biệt, trong đó có 53 chi bộ thôn; 44/53 chi bộ thôn độc lập bền vững và 36/53 chi bộ thôn có cấp ủy, 48/53 chi bộ có phó bí thư chi bộ. Việc nhất thể hóa chức danh bí thư, phó bí thư chi bộ thôn kiêm trưởng, phó thôn hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn đã được một số đảng ủy triển khai thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 6/53 đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, 10/53 đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn. Qua đó, đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn lên cao hơn so với trước đây. Cùng với đó, các chi bộ đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế tối đa sự dàn trải. Trong lãnh đạo đã tập trung ban hành các nghị quyết chuyên đề sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị và có khả năng vận dụng vào thực tiễn như: xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, giảm hộ nghèo, giải phóng mặt bằng; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên …. 
 
Tiếp tục xây dựng nghị quyết mới
 
Sau 5 năm, nhiều chuyển biến tích cực đã được ghi nhận, song vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra trong công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ. Những hạn chế đó xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như: Trình độ dân trí thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên tư tưởng và nhận thức về Đảng còn hạn chế. Nhiều đoàn viên, thanh niên sau khi tốt nghiệp cấp II, cấp III thì đi làm ăn xa, chủ yếu đi khỏi địa bàn nên rất khan hiếm nguồn trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là người địa phương và thậm chí nhiều đảng viên bỏ sinh hoạt để đi làm ăn xa. Tại một số thôn có người dân “di dân tự do”, nơi ở chưa ổn định, không đủ điều kiện đăng ký tạm trú, tạm vắng, dẫn đến việc thẩm tra, xác minh lý lịch cho các quần chúng ưu tú gặp nhiều khó khăn. Có những vấn đề về chế độ, chính sách nên nhiều đồng chí không thiết tha với các nhiệm vụ của đảng viên, chi bộ… Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, nguyên nhân chủ quan ở chính ý thức, trách nhiệm của các đảng viên, nhất là đảng viên trong hệ thống chính trị mới là yếu tố quyết định. 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định: Các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng của huyện Đam Rông những nhiệm kỳ qua đều được ban hành phù hợp với đặc điểm, tình hình mỗi giai đoạn. Nếu như nhiệm kỳ 2005 - 2010 tập trung vào việc xóa thôn trắng đảng viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015 chú trọng xóa chi bộ ghép thì nhiệm kỳ 2015 - 2020 nghị quyết tập trung phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ bền vững. Những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết đã được hoàn thành và cần ban hành nghị quyết mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Theo đó, nghị quyết giai đoạn mới sẽ cần tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng chi bộ bền vững, phấn đấu xây dựng chi bộ có cấp ủy, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, tập trung phát triển đảng viên ở thôn, tạo nguồn đảng viên trong vùng đồng bào DTTS, khuyến khích tạo điều kiện để các đảng viên phát triển kinh tế gia đình. Làm tốt công tác xây dựng Đảng với phương châm hướng về cơ sở, nhằm xây dựng và củng cố hơn nữa niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ và chính quyền địa phương. 
 
Việc ban hành nghị quyết mới với những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể đưa ra đã được Ban Chấp hành Huyện ủy Đam Rông thống nhất và bắt tay vào thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương này xây dựng hệ thống chính trị ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
 
NGỌC NGÀ