Có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn kề vai, sát cánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh...
Có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn kề vai, sát cánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện, bền vững.
|
Đồng bào tôn giáo tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2020 |
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 7 tôn giáo được công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Ba Ha’i, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo, Phật giáo Hòa Hảo, với 796.629 tín đồ, tương đương 61, 4% dân số, 1.600 chức sắc, 3.700 chức việc, 2.000 nam, nữ tu sỹ, 436 cơ sở thờ tự. Như vậy, tín đồ các tôn giáo là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Vai trò vận động của MTTQ
Xác định công tác vận động, tập hợp, phát huy chức sắc tín đồ tiêu biểu tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bên cạnh việc vận động đồng bào các tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, còn tập trung hướng dẫn MTTQ các cấp triển khai sâu rộng Kết luận 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo gắn với thực hiện Kế hoạch 88-KH/TU ngày 6/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động đoàn kết các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng. Trọng tâm là hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp, giúp đỡ các tổ chức, chức sắc tổ chức tốt các ngày lễ trọng đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh với các loại tội phạm. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư.
MTTQ cũng đặc biệt quan tâm và thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... cho đội ngũ cán bộ, công chức, ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo nhằm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020 - 2025, trong đó lĩnh vực an ninh trật tự có chương trình phối hợp tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh với các tổ chức tôn giáo tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng duy trì tốt các hội nghị gặp mặt, làm việc định kỳ; tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, chúc mừng tổ chức, chức sắc nhân ngày lễ trọng, khi đau ốm, gia đình chức sắc có việc tang ma, hiếu hỷ... Kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, bức xúc, khiếu kiện đông người.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã khơi dậy sự đồng lòng chung sức, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở khu dân cư trong đồng bào có đạo. Nhiều cơ sở, chức sắc tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức xây dựng các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm; vận động tín đồ và các tầng lớp nhân dân đăng ký, cam kết xây dựng gia đình, khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Những năm qua, nhiều chức sắc đã trở thành gương điển hình - người tốt, việc tốt được bà con nhân dân quý trọng.
Nhiều mô hình, cách làm hay của đồng bào các tôn giáo
Theo thống kê, đến tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.112 mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư trên các lĩnh vực: kinh tế, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh... Trong đó, có 511 mô hình tự quản về an ninh trật tự và hàng trăm gương điển hình - người tốt, việc tốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; có 83 mô hình phòng chống tội phạm, 4.025 tổ an ninh nhân dân, 363 tổ bảo vệ dân phố, 444 đội dân phòng, 1.341 tổ hòa giải cơ sở, 924 tổ tuần tra “Dân cử, dân nuôi”, trong đó có nhiều mô hình do chức sắc, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo phụ trách, thành lập đã và đang hoạt động hiệu quả, được đông đảo tín đồ và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Điển hình như “Giáo xứ không có tội phạm” tại Giáo xứ Lạc Sơn, thôn Lạc Sơn, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương do Linh mục quản xứ Nguyễn Trí Độ chủ trì; mô hình “Giáo họ không có tội phạm” tại Giáo họ Giuse - Tổ dân phố 5, phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc; mô hình “Khu dân cư bảo đảm an ninh - trật tự - an toàn giao thông” tại thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng do Đại đức Thích Nguyên Hiền - Trụ trì Vĩnh Minh tự viện chủ trì thực hiện hay mô hình “Khu dân cư an toàn, sáng - xanh - sạch - đẹp” tại thôn Trường Vinh, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt do Đại đức Thích Như Thuần - Trụ trì Chùa Viên Giác đăng ký thực hiện...
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng, ban hành triển khai thực hiện tiêu chuẩn khung về mô hình “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” với 4 tiêu chuẩn và 40 tiêu chí cụ thể bao trùm lên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có 1 tiêu chuẩn (Tiêu chuẩn 5: Đoàn kết chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội) với 6 tiêu chí liên quan đến an ninh trật tự và xem đó là một trong 9 tiêu chuẩn bắt buộc đạt được để công nhận mô hình “Khu dân cư tiêu biểu” hoặc “Khu dân cư kiểu mẫu”. Kết quả năm 2020 toàn tỉnh có 21 khu dân cư kiểu mẫu, 261 khu dân cư tiêu biểu đã được công nhận. Qua đó, ý thức tự giác, tinh thần tự quản, sáng tạo của tín đồ, các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đảm bảo an ninh trật tự các địa phương, cơ sở.
Những kết quả đạt được khẳng định sự tham gia của các tôn giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những cách làm hay, mô hình thiết thực đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua.
NGUYÊN THI