(LĐ online) - Sáng 20/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm cập nhật các chỉ đạo mới của Trung ương về công tác phòng chống dịch trong tình hình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán năm 2021.
(LĐ online) - Sáng 20/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm cập nhật các chỉ đạo mới của Trung ương về công tác phòng chống dịch trong tình hình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán năm 2021.
Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và BSCKII Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Cảng hàng không Liên Khương; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, các bệnh viện đóng trên địa bàn Đà Lạt và các Trung tâm Y tế Đà Lạt, Lạc Dương.
|
Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng về phòng chống dịch Covid-19 |
Thế giới sắp chạm mốc 100 triệu ca nhiễm Covid-19
Hội nghị đã cập nhật tình hình dịch bệnh đến ngày 19/01/2021, thế giới ghi nhận 96.080.360 ca và 2.051.488 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Riêng 2 tuần đầu của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 12,3 triệu ca nhiễm mới (chiếm 13% tổng số mắc từ đầu dịch) và 227 ngàn ca tử vong (chiếm 11,1%). Tốc độ lây nhiễm tăng nhanh, dự báo trong tuần này, thế giới sẽ đạt 100 triệu ca nhiễm Covid-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.
Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh vào (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.540 trường hợp mắc (trong đó, có 880 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong.
Riêng 20 ngày đầu của tháng 01/2021, Việt Nam ghi nhận 75 ca nhiễm nhập cảnh (chiếm 8,4% trong tổng số mắc Covid-19 nhập cảnh), tăng thêm 11 ca so với cùng kỳ của tháng 12/2020.
Đến nay, trên cả nước đang cách ly 18.008 người; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 121 người, tại khu cách ly tập trung 16.663 người và tại nhà/nơi lưu trú 1.224 người.
Các cơ sở cách ly do quân đội quản lý hiện đang cách ly 4.757 người tại 54 điểm cách ly, tổng số đã thực hiện cách ly là 165.145 người; trong đó, hết cách ly là 160.388 người.
Tăng cường giám sát, phát hiện quản lý người nhập cảnh trái phép
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2020, cả nước phát hiện có 177 người nước ngoài (167 Trung Quốc, 8 Campuchia, 1 Canada, 1 New Zealand) và 1.843 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới đường bộ đã và đang được cách ly, xử lý.
Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Công văn số 308/CV-BCĐ ngày 14/01/2021 về việc tăng cường kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức đoàn kiểm tra về công tác nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh tại các tỉnh, thành phố. Bước đầu đánh giá như sau: Các cơ sở cách ly đã thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tổ chức. Tuy nhiên, còn một số điểm cần lưu ý đối với cách ly y tế tập trung như: Về xét nghiệm, chưa lấy mẫu ngay ngày đầu sau khi đến khu cách ly. Việc tổ chức cách ly và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm giữa các khu vực trong khu cách ly tập trung (một số nơi) chưa tốt. Tổ chức giám sát y tế 14 ngày sau khi kết thúc cách ly tập trung chưa chặt chẽ.
Các biện pháp cấp bách
Tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh vẫn ghi nhận từ các chuyến bay giải cứu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn. Sắp tới Tết Nguyên đán 2021, nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn, do đó nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 luôn hiện hữu.
Vì vậy, cần tiếp tục và tăng cường các biện pháp theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường hoạt động trong thời gian tới: Tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trong cộng đồng. Tiếp tục tăng cường truyền thông thực hiện 5K. Cập nhật thông tin minh bạch, liên tục tới các cơ quan báo, đài, người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trong và ngoài nước. Tăng cường giám sát dịch tại các cơ sở y tế, cộng đồng, đặc biệt là những người có triệu chứng mắc Covid-19 để phát hiện sớm, khoanh vùng triệt để. Yêu cầu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm các đối tượng nguy cơ để tránh bỏ lọt, trường hợp cơ sở nào không có đủ năng lực xét nghiệm thì lấy mẫu, gửi nơi đủ điều kiện thực hiện. Tiếp tục tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng phần mềm khai báo y tế, N-Cov, ứng dụng truy vết Bluezone. Các địa phương tiếp tục rà soát và cập nhật các cơ sở y tế, khách sạn, trường học... lên bản đồ an toàn với dịch Covid-19.
Tăng cường kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm thời gian cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.
Đề xuất chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ người từ nước ngoài đến bất hợp pháp trên địa bàn. Đề nghị các hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động tham gia phát giác, khai báo các trường hợp từ nước ngoài về nhập cảnh trái phép trong cộng đồng chưa được cách ly, quản lý và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách tất cả những người nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương, tổ chức cách ly ngay, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ các trường hợp sau cách ly tập trung về địa phương, Ban Chỉ đạo đã có văn bản số 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 về hướng dẫn bàn giao, quản lý khi hoàn thành cách ly tập trung. Trong đó, rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận và đưa đón người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú tiếp tục theo dõi, giám sát y tế 14 ngày (kể từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương trong cả nước phát động phong trào toàn dân phát hiện tố giác người nhập cảnh trái phép, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Mỗi người dân là một chiến sĩ trong phòng chống dịch Covid-19”. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải áp dụng cách ly tập trung. Luôn chuẩn bị tình huống phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Nếu xảy ra phải thần tốc phát hiện, cách ly càng nhanh càng giảm lây nhiễm Covid-19. Đối với các cơ sở y tế phải đặt tình trạng báo động cao nhất để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch Covid-19.
AN NHIÊN