Hướng tới kinh tế số và chính quyền số

06:01, 21/01/2021

Tiết kiệm cho quốc gia hơn 15.000 tỷ đồng/năm là con số được đưa ra tại hội thảo trực tuyến "Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số" vào ngày 8/1 vừa qua.

Tiết kiệm cho quốc gia hơn 15.000 tỷ đồng/năm là con số được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số” vào ngày 8/1 vừa qua.
 
Phát biểu tại hội thảo này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, thành quả này đã đến từ việc tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai vận hành liên thông các trục liên thông văn bản quốc gia, Trung tâm báo cáo quốc gia và Trung tâm điều hành thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thông tin phục vụ họp, hội nghị của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia… Quan trọng hơn, những điều này đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
Khi mọi cơ quan công quyền đều vận hành trên nền tảng số, lợi ích sẽ được chia đến tất cả các đối tượng điều hành, được điều hành và chi phối bởi những thành quả hữu hiệu của chính phủ điện tử. Chi phí sẽ ít đi, rủi ro được hạn chế và kiểm soát tốt hơn trên cơ sở của sự chính xác hơn, nhanh hơn, gọn hơn, dễ tiếp cận trên nền tảng công khai và minh bạch.
 
Đặt trong xu hướng tất yếu, việc phát triển chính phủ điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là dư địa để phát triển kinh tế, cũng như là nền tảng để hội nhập quốc tế. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 mà Thủ tướng vừa ban hành vào ngày 31/12/2020. 
 
Trên đường “chạy” này, Chính phủ đã xác định đến 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm cùng với những mục tiêu cơ bản khác như đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu… và vấn đề cốt lõi nhất, vẫn là mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng.
 
Trong “đường chạy” này, các địa phương trong cả nước đều trong sự định hình và xây dựng thành công kiến trúc chính quyền điện tử với các hệ thống hạ tầng thiết yếu. Hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều đã triển khai cổng dịch vụ công, với sự tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh khác… Điều ấy cũng có nghĩa là, hiệu năng của một chính quyền điện tử đã và vẫn tiếp tục được thúc đẩy, và đó cũng là một phương thức để cải cách thủ tục hành chính tốt hơn. Đồng thời, cũng là tiền đề để hướng tới kinh tế số và chính quyền số.
 
MINH HÀ