Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, đóng góp vào thành công chung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, đóng góp vào thành công chung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp phát động phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp hàng trăm tỉ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, như: trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn. Nhiều Hội Nông dân các tỉnh, thành đã chủ động đăng ký tham gia thực hiện một số tiêu chí phù hợp với chức năng của Hội như: xây dựng thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng quy mô nhỏ và xây dựng các mô hình cấp nước sạch, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng, chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 và thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Đến nay, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%).
Tại Lâm Đồng, những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương hăng hái tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân trong tỉnh.
Hội đã phối hợp và trực tiếp triển khai các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các hội viên và nông dân phát triển KT-XH, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, sau nhiều năm thực hiện Đề án 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hội cũng phối hợp và trực tiếp triển khai các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các hội viên và nông dân phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và bảo vệ an ninh, quốc phòng. Các cấp hội trong tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân như thực hiện tín chấp cho nông hộ vay vốn; ký kết với các doanh nghiệp cung ứng phân bón cho nông dân; giúp xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hàng nghìn nông dân liên kết hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức trong, ngoài nước...
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Đề án 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, đã nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có 104/111 xã (93,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, 7 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã được công nhận; huyện Đạ Tẻh, thành phố Đà lạt và Bảo Lộc đã được hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ; huyện Cát Tiên và Lâm Hà đang lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực, đứng đầu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
LAN HỒ